Góc nhìn: Cấm học sinh dùng điện thoại

Khảo sát gần 2.000 giáo viên phổ thông tham gia các khóa học về ứng dụng AI hỗ trợ việc dạy và học tại TP HCM trong dịp hè vừa qua, chúng tôi được biết 69,4% học sinh thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh khi đến trường. Tỷ lệ bình quân ở các trường THPT lên đến 85%.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 hồi tháng 8, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu lên thực tế: “Học sinh đang đắm mình trong công nghệ, ăn công nghệ, ngủ công nghệ, chơi công nghệ và sinh ra bằng công nghệ”.

Điện thoại thông minh đem lại cơ hội tiếp cận thông tin, học hỏi kiến thức tinh hoa của thế giới đồng thời cũng là “tội đồ” gây ra những bệnh tật về thể chất và tinh thần cho người sử dụng, nhất là thế hệ trẻ.

Điện thoại thông minh kết nối Internet có thể là một công cụ hỗ trợ học tập thiết thực. Các em học ngoại ngữ, tìm kiếm, lưu trữ tài liệu, thực hiện các bài tập, bài thi được số hóa. Với các ứng dụng tích hợp AI, các em có thể vẽ tranh, tìm ý tưởng cho các dự án, viết bài luận, sáng tác tranh, truyện, video… Nhưng điện thoại cũng là phương tiện để các em chơi game online, đắm mình trong những cuộc trao đổi tiêu cực trên các kênh mạng xã hội, lướt xem hình ảnh, video ở những trang web không lành mạnh, gần đây là sử dụng AI theo kiểu mập mờ, gian lận.

Trong cuốn “The Coming Wave: Technology, Power and the Twenty-First Century’s Greatest Dilemma” (Làn sóng sắp tới: Công nghệ, quyền lực và tình thế tiến thoái lưỡng nan lớn nhất thế kỷ XXI) phát hành tại Mỹ tháng 9/2023, tác giả Mustafa Suleyman nhận định: Sự phát triển quá nhanh, quá nguy hiểm của công nghệ đưa cả thế giới vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan”.

Mustafa Suleyman là người đồng sáng lập DeepMind vào năm 2010, trước khi công ty này được Google mua lại vào năm 2014. Hiện nay, ông là đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Inflection AI, một công ty tiên phong về AI nhằm mục tiêu định hình lại mối quan hệ giữa con người và máy tính. Với kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ, ông thảo luận sâu về chủ đề làm thế nào để kiềm tỏa sự phát triển của công nghệ. Kiềm tỏa, theo ông là kiểm soát, có thể phải kiềm chế hoặc thậm chí ngăn chặn sự phát triển của công nghệ. Ông cũng ý thức rõ đây là một thách thức rất lớn của cả nhân loại, nhất là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Tháng 7/2023, UNESCO kêu gọi toàn cầu cấm học sinh dùng điện thoại ở trường, khi nhiều minh chứng cho thấy có mối liên hệ tiêu cực giữa việc lạm dụng thiết bị điện tử và kết quả học tập của học sinh.

Thông tư số 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam quy định học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp, không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên chủ nhiệm cho phép. Quyền hạn này, chủ yếu được trao cho các giáo viên nên mỗi nơi áp dụng một khác. Đầu năm học 2024-2025, một số trường tại TP HCM quy định chặt hơn – không cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp học (ngoài những tiết được giáo viên cho phép) hoặc giờ ra chơi. Một số quốc gia trên thế giới cũng thí điểm việc này như Hà Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Đan Mạch… Đây có thể xem là một trong những nỗ lực để kiềm tỏa công nghệ.

Theo tôi, đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh chưa có những giải pháp hiệu quả về mặt kỹ thuật để kiểm soát, ngăn chặn học sinh vào những trang mạng xã hội hay trang web không lành mạnh. Nhưng giải pháp này là chưa đủ để giải quyết những vấn đề quan trọng về lâu dài của giáo dục đào tạo trong thời đại số hiện nay.

Trước hết, nếu cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi, nhà trường cần tổ chức nhiều sân chơi khác thay thế, giúp các em vận động thể chất hoặc phát huy các loại hình trí thông minh khác như âm nhạc, hội họa, giao tiếp xã hội…

Thứ hai, nếu trở lại cách học chỉ sử dụng sách giáo khoa, phiếu bài tập giấy với màn chiếu hoặc tivi trình chiếu tập trung trên bảng, học sinh sẽ mất đi những cơ hội rèn luyện những kỹ năng số sống còn trong thời đại công nghệ như cộng tác số, giao tiếp, sáng tạo, phản biện trên môi trường số. Để cấm hoàn toàn điện thoại thông minh mà không làm giảm hiệu quả học tập, nhà trường cần trang bị đủ thiết bị máy tính được quản trị an toàn, chỉ cho phép vào những ứng dụng, trang web phục vụ học tập và kiểm tra.

Một trong những giải pháp quan trọng mà Mustafa Suleyman nhắc đến để “kiềm tỏa công nghệ” là trang bị nhận thức đúng cho đối tượng sử dụng. Nhận thức đúng là hiểu đầy đủ cả lợi ích mang lại và những tác hại, rủi ro do công nghệ gây ra. Người lớn thường nhấn mạnh đến những tiêu cực, tác hại của sử dụng điện thoại thông minh. Tôi nghĩ cũng cần đầu tư và quan tâm đến những nội dung hoặc hoạt động giúp học sinh thấy được lợi ích của điện thoại thông minh. Trong môi trường số, tư duy phản biện là rất quan trọng khi tin giả tràn lan, học sinh cần được tạo nhiều diễn đàn trao đổi trực tiếp để rèn luyện kỹ năng này.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, tôi cho rằng một giải pháp giáo dục đúng thường xuất phát từ thái độ đúng của giáo viên, của những nhà quản lý giáo dục. Thái độ đúng trước hết là vì lợi ích của học sinh, phục vụ cho sự phát triển toàn diện của học sinh. Trong trường hợp sử dụng điện thoại thông minh, thái độ đúng là đảm bảo sự cân bằng, tránh những cảm xúc thái quá trước sự phát triển công nghệ. Thầy cô, nhà trường quá lo lắng việc học sinh sử dụng điện thoại thông minh có thể làm mất đi cơ hội học tập và rèn luyện năng lực số cho học sinh; ngược lại quá thờ ơ, buông lỏng việc sử dụng công nghệ có thể khiến học sinh bị “đắm chìm và đuối nước”.

Vì thế, giải pháp “kiềm tỏa” cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh cần được tiếp tục quan sát, nghiên cứu và điều chỉnh linh hoạt. Điều này đòi hỏi không chỉ trách nhiệm mà còn cần sự quan tâm, tình yêu thương, sự kiên trì của thầy cô, nhà quản lý giáo dục dành cho học sinh.

Trần Minh Trọng (nguồn: vnExpress)

Tham khảo thêm: