Nghề giáo không phải là “ngõ cụt”, đây chính là giải pháp.

Trong thế kỷ 21, nghề giáo viên phổ thông không chỉ là một công việc đòi hỏi lòng nhiệt huyết, tận tâm mà còn cần được nhìn nhận như một nghề nghiệp chuyên nghiệp với cơ hội phát triển rõ ràng và bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giáo viên vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu lộ trình thăng tiến và đánh giá chính xác cho những đóng góp của họ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng giữ chân giáo viên tài năng mà còn làm suy yếu hệ thống giáo dục trong dài hạn.

Vậy làm thế nào để biến nghề giáo thành một sự nghiệp có tiềm năng phát triển? Hãy cùng cẩm nang dạy học tìm hiểu những vấn đề và giải pháp để tạo nên một môi trường giáo dục thực sự bền vững cho các thầy cô.

Thực trạng: Nghề giáo và sự thiếu hụt phát triển nghề nghiệp

Là người từng trải qua các ngành công nghiệp ngoài giáo dục trước khi trở lại làm giáo viên, tôi nhận thấy rằng sự khác biệt về cơ hội phát triển giữa các ngành là rất lớn. Trong các ngành tư vấn, tài chính hay công nghệ thông tin, luôn có những cấu trúc rõ ràng để khen thưởng và thăng tiến nhân viên. Tại những nơi đó, nhân viên không chỉ được đánh giá dựa trên kết quả mà còn nhận được các cơ hội phát triển kỹ năng và tăng lương thường xuyên.

Trái lại, nghề giáo thường “bị” xem như một công việc làm vì “đam mê”, một “sứ mệnh” hơn là một sự nghiệp chuyên nghiệp. Điều này không chỉ tạo nên một cái nhìn hạn hẹp về nghề giáo mà còn cản trở khả năng thu hút và giữ chân một lực lượng lao động đa dạng, giàu năng lực. Giáo viên thiếu các cơ hội thăng tiến và các cơ chế thưởng phạt rõ ràng khiến nhiều người cảm thấy “mắc kẹt” trong công việc, dù họ vẫn yêu nghề và muốn đóng góp nhiều hơn cho học sinh.

Vì sao nhiều giáo viên cảm thấy nghề nghiệp của mình như đi vào ngõ cụt?

  1. Cấu trúc thăng tiến không rõ ràng
    Nghề giáo không có một hệ thống thăng tiến nội bộ rõ ràng như các ngành nghề khác. Các giáo viên muốn thăng tiến thường phải rời khỏi lớp học để chuyển sang vai trò quản lý, như hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng. Tuy nhiên, việc này có thể là một bước ngoặt lớn, không phải giáo viên nào cũng sẵn sàng từ bỏ sự tương tác trực tiếp với học sinh để bước vào vai trò quản lý hành chính.
  2. Hạn chế trong việc thuyên chuyển công việc.
    Trong các hệ thống giáo dục công, giáo viên bị ràng buộc bởi hệ thống hưu trí và các quy định địa phương. Việc chuyển trường hoặc làm việc ở tỉnh khác, nơi khác có thể khiến họ mất đi những quyền lợi hưu trí đã tích lũy, một rào cản lớn đối với những người muốn tìm kiếm môi trường làm việc mới.
  3. Ít phần thưởng và động lực tài chính
    Nhiều giáo viên dù rất nỗ lực đạt được các chứng nhận chuyên môn cao nhưng các khoản thưởng hoặc tăng lương không đồng đều giữa các giáo viên tại các trường và thậm trí trong cùng 1 trường. Một số trường có thưởng bổ sung nhỏ cho những danh hiệu giáo viên đạt được, trong khi nhiều nơi lại chỉ mang tính danh dự mà không có chế độ tài chính thực tế.
  4. Thiếu các chương trình đào tạo và phát triển sự nghiệp
    Đào tạo và phát triển chuyên môn là yếu tố thiết yếu giúp nâng cao hiệu quả công việc và giữ chân nhân viên. Trong nhiều ngành nghề khác, các chương trình đào tạo thường xuyên và các cố vấn nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, đối với giáo viên, các cơ hội phát triển chuyên môn thường phụ thuộc vào từng trường và không đồng đều trên toàn quốc.

Giải pháp: Làm thế nào để cải thiện thực trạng trên

Để xây dựng một lộ trình sự nghiệp bền vững cho giáo viên, các nhà hoạch định chính sách và những người quản lý giáo dục cần cân nhắc một số giải pháp quan trọng sau:

  1. Phát triển hệ thống thăng tiến cho giáo viên
    Cần xây dựng một hệ thống thăng tiến nội bộ cho giáo viên, tương tự như các ngành nghề khác, nơi giáo viên có thể thăng chức và được khen thưởng ngay khi còn đứng lớp mà không cần chuyển sang vai trò quản lý. Các chức danh như “giáo viên chính”, “giáo viên trưởng nhóm” với những nhiệm vụ chuyên môn và khen thưởng tài chính cụ thể có thể là bước đầu trong việc phát triển hệ thống này. Một số trường tư thục tôi đã trải qua, thực hiện tương đối tối việc này
  2. Hỗ trợ tài chính và tăng cường đãi ngộ
    Để thu hút và giữ chân giáo viên, các chính sách tài chính và phúc lợi cần được cải thiện. Việc tăng lương thưởng khi giáo viên đạt chứng chỉ chuyên môn và tạo các chương trình thưởng động viên cho hiệu quả công việc sẽ tạo động lực mạnh mẽ để giáo viên đầu tư vào nghề nghiệp.
  3. Tạo các điều kiện thuận lợi cho Giáo viên khi thuyên chuyển công tác
    Xây dựng một hệ thống hỗ trợ giáo viên có thể chuyển đổi công tác dễ dàng giữa các tỉnh, thành phố mà không mất quyền lợi hưu trí sẽ giúp giáo viên tìm kiếm được môi trường phù hợp hơn mà không gặp phải rào cản tài chính.
  4. Đầu tư nhiều hơn vào đào tạo phát triển chuyên môn
    Tạo ra các chương trình phát triển chuyên môn toàn diện cho giáo viên với sự hướng dẫn từ những cố vấn chuyên nghiệp, điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng dạy học và đồng thời tạo cho giáo viên cảm giác rằng họ đang tiến bộ trong nghề nghiệp của mình. Những chương trình này nên diễn ra thường xuyên và liên tục, nhằm tạo ra những thay đổi lâu dài trong kỹ năng giảng dạy của giáo viên.

Tạo dựng tương lai bền vững cho Giáo viên

Nghề giáo viên cần được xem là một sự nghiệp chuyên nghiệp và lâu dài, có các cơ hội phát triển và khen thưởng rõ ràng. Nếu chúng ta không tạo ra một hệ thống hỗ trợ cho giáo viên, họ sẽ dễ dàng cảm thấy rằng nghề dạy học chỉ là một giải pháp tạm thời, là “ngõ cụt” sự nghiệp và có nhiều khả năng bỏ nghề. Để duy trì một lực lượng giáo viên tài năng và đam mê, hệ thống giáo dục cần có sự thay đổi căn bản để không chỉ thu hút, mà còn giữ chân những người có tâm huyết trong lớp học.


Tham khảo thêm: