Một ứng dụng (app) học tiếng Anh có thể phục vụ hàng triệu người cùng lúc và lớp học trên ứng dụng có thể “phục vụ” 24 giờ/7 ngày.
Gần đây, có ý kiến đề xuất phổ cập tiếng Anh cho toàn dân. Đề xuất này đang thu hút khá nhiều sự quan tâm. Dù được chấp thuận hay không chấp thuận, những kiến nghị từ các giới, các ngành khác nhau sẽ giúp chúng ta có cơ hội tự vấn xem đất nước mình có cơ hội nào tốt nhất để phát triển nhanh hơn, quốc gia thịnh vượng, hạnh phúc hơn.
Nếu phổ cập tiếng Anh là cần thiết, thì có thể được thực hiện thông qua hai cách: một là phổ cập qua chương trình giáo dục phổ thông, và hai là phát động phong trào toàn dân.
Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay đã cho phép học sinh học tiếng Anh chính thức từ lớp 3 đến hết lớp 12. Ở mầm non, lớp 1 và 2, các địa phương hoặc trường có điều kiện được khuyến khích tổ chức hoạt động làm quen với tiếng Anh cho trẻ. Chương trình tiếng Anh trong trường phổ thông cũng đã thể hiện sự thay đổi lớn trong nhận thức.
Thứ nhất là ghi nhận các kết quả nghiên cứu về thụ đắc ngoại ngữ cho thấy học ngôn ngữ thứ hai sớm không làm “hỏng” ngôn ngữ thứ nhất (hoặc tiếng mẹ đẻ) của trẻ em như rất nhiều người lầm tưởng, trái lại trẻ em có những lợi thế nhất định khi học ngôn ngữ, bao gồm ngoại ngữ, mà người lớn không có.
Thứ hai là chương trình mới đi “thuận” với xu hướng thế giới dạy tiếng Anh tập trung vào các kỹ năng ngôn ngữ (nghe, nói, đọc, viết) chứ không chỉ kiến thức ngôn ngữ (từ vựng, ngữ pháp, phát âm) cho học sinh phổ thông. Với mục tiêu đầu ra là bậc 3 cuối lớp 12 (tương đương trình độ B1 của Khung tham chiếu ngôn ngữ chung), nếu đạt được một cách thực chất, có thể nói một người bình thường đã có thể sử dụng tiếng Anh để giao tiếp “phổ thông” được, và có thể học tiếp để làm việc, học tập ở trình độ cao hơn. Các trung tâm ngoài giờ, phương tiện truyền thông, các ứng dụng, nguồn học liệu mở cũng có thể hỗ trợ tích cực cho mục tiêu này.
Còn nếu đi xa hơn, muốn “phổ cập tiếng Anh cho toàn dân”, sẽ cần thêm một phong trào, có thể ví như phong trào “bình dân học vụ” trước đây.
Phong trào “bình dân học vụ” là một cuộc cách mạng lớn để xóa nạn mù chữ ngay sau khi đất nước giành độc lập, biến người dân cả nước thành người dạy hoặc là người học với tốc độ xóa mù chữ thần tốc. Cho đến tận thời điểm này, xóa mù chữ vẫn là một trong những hoạt động quan trọng của các tổ chức quốc tế, như Liên hợp quốc. Nếu chúng ta lặp lại một cuộc cách mạng “xóa mù chữ” trong tiếng Anh cho toàn dân, có thể cách thức thực hiện cũng sẽ khác xưa rất nhiều. Nếu như trước đây phong trào được thực hiện theo cách người đã biết dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít, trên tinh thần tự nguyện dạy, tự nguyện học, thì ngày nay có thể dùng công nghệ để xóa nhòa khoảng cách. Ví dụ, một ứng dụng (app) học tiếng Anh có thể phục vụ hàng triệu người cùng lúc và lớp học trên ứng dụng có thể “phục vụ” 24 giờ/7 ngày.
Nhưng câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có thực sự phải học tiếng Anh toàn dân không? Có phải chỉ có tiếng Anh mới là ngoại ngữ mang lại cơ hội và thu nhập? Các ứng dụng dịch thuật có thể phục vụ chúng ta ở mức độ nào rồi? Thay vì học tiếng Anh, chúng ta học khoa học kỹ thuật, học khởi nghiệp, học kinh doanh… cho đàng hoàng thì có tốt hơn, có giàu hơn học tiếng Anh hay không? Khi chưa có các câu trả lời cho các câu này, chúng ta không thể biết được xã hội chúng ta cần điều gì nhất.
Ở góc độ một cá nhân, việc cần học và sử dụng tiếng Anh ở mức độ nào phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh và mục tiêu riêng. Một nhà nghiên cứu sẽ cần mức độ tiếng Anh khác một nhân viên trong công ty, khác với một người kinh doanh du lịch. Một người kinh doanh với các nước châu Âu, châu Á có thể sẽ cần thứ tiếng khác với tiếng Anh.
Ở góc độ doanh nghiệp, hiện không quá khó để tìm kiếm lao động thành thạo cả tiếng Anh và chuyên môn. Khi doanh nghiệp trả lương đủ tốt, họ có thể thu hút được những lao động như vậy ở trong nước, hoặc du học sinh về nước, hoặc thậm chí cả người nước ngoài sang Việt Nam làm việc.
Ở góc độ quốc gia, việc phát triển ngoại ngữ như thế nào là một chiến lược. Chúng ta muốn dùng đơn ngữ, song ngữ, hay đa ngôn ngữ? Chúng ta được và mất gì với mỗi chọn lựa, xét về khía cạnh văn hóa và kinh tế? Chắc chắn các chính sách phải dựa trên nghiên cứu khoa học khách quan, thay vì những quan sát thông thường.
Như vậy, để quyết định được việc phổ cập tiếng Anh có cần thiết không, chúng ta sẽ phải trả lời những câu hỏi lớn:
Thứ nhất là mục tiêu phát triển của chúng ta là gì? Chúng ta muốn hướng tới đích đến như thế nào? Điều đó sẽ trả lời cho chúng ta biết cần chọn phương tiện gì để “cán đích”: là ngôn ngữ, hay khoa học kỹ thuật, hay thương mại, sản xuất, tài chính, du lịch, xuất khẩu? Chúng ta muốn phổ biến tiếng Anh để nâng cao dân trí hay để phát triển kinh tế, hay cả hai?
Thứ hai là phổ cập tiếng Anh qua chương trình giáo dục phổ thông đã đủ chưa, hay cần thêm một phong trào học tiếng Anh toàn dân nữa để người người học tiếng Anh, nhà nhà học tiếng Anh?
Thứ ba là ai cần tiếng Anh nhiều nhất, và cần phải học tiếng Anh nhất? Họ cần ở mức độ cao, trung bình, hay thấp? Ngay cả ở các quốc gia nói tiếng Anh, ví dụ như Mỹ, vẫn có những cộng đồng không hề nhỏ nói tiếng Anh thành thạo ở mức độ thấp, nhưng họ vẫn là một phần của xã hội này.
Thứ tư là tiếng Anh giúp chúng ta trở thành người làm thuê hay người làm chủ? Người làm thuê cần học những gì, và người làm chủ cần học những gì? Nếu có thêm tiếng Anh, thì người lao động phát triển được những gì, hoặc doanh nghiệp vươn xa được tới mức nào?
Thứ năm là phổ cập tiếng Anh là một định hướng, một chính sách, hay là cả một chiến lược phát triển?
Với một nền kinh tế, xã hội toàn cầu “mở” và “phẳng” như hiện nay, mỗi thực thể hoàn toàn có thể tự chủ động quyết định chiến lược của mình, vì:
Nếu doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu nhân sự tiếng Anh, họ sẽ trả lương xứng đáng để sở hữu được người lao động giỏi tiếng Anh.
Nếu một người cần tiếng Anh, có thể “đổi đời” được nhờ tiếng Anh, họ sẽ có động lực rất lớn để học tiếng Anh cho tốt.
Như vậy, một “quy hoạch” hay một “phong trào” có thể sẽ không cần thiết đối với việc học tiếng Anh. Dù chúng ta gọi tiếng Anh là “song ngữ”, hay “ngôn ngữ thứ hai”, hay “ngoại ngữ” sẽ không tạo ra sự khác biệt nhiều với mức độ thành thạo tiếng Anh của người dân. Có thể chỉ cần dạy và học tốt tiếng Anh trong trường phổ thông đã đủ để tạo ra những thế hệ người lao động có khả năng tự “quốc tế hóa” chính mình và sẵn sàng nắm bắt các cơ hội có tính toàn cầu.
Không chỉ riêng tiếng Anh, chúng ta nên cổ vũ cho một xã hội học tập và hành động: học ngoại ngữ, học kinh doanh, học khởi nghiệp, học chế tạo… đồng thời biến việc học thành hành động tích cực thay đổi bản thân, sáng tạo trong công việc, thay đổi tương lai. Tiếng Anh giúp chúng ta bước ra thế giới, nhưng quan trọng hơn: chúng ta mang cái gì ra thế giới?
Bùi Khánh Nguyên (nguồn: vnExpress)
Tham khảo thêm: