Khi còn hai tháng nữa mới đến kỳ nghỉ hè, thì các con tuổi lá thuộc lớp mẫu giáo của con trai tôi đã nghỉ học ở trường. Chúng được bố mẹ đưa sang những lớp học đặc biệt khác: lớp dự thính vào lớp một.
Các con sẽ được học tăng cường tập đọc, tập viết, toán để trở thành những đứa trẻ “đọc thông viết thạo, làm toán nhanh”. Như vậy thì may ra vào lớp một mới theo kịp các bạn, theo kịp chương trình. Bởi “lớp một học ghê lắm, lơ mơ là không theo kịp đâu”, như lời các phụ huynh khuyến cáo nhau.
Trường mầm non con trai tôi theo học dạy theo một phương pháp mà theo giới thiệu, phương pháp này chú trọng phát triển kỹ năng, tăng khả năng tự lập và tôn trọng tính cá biệt của trẻ. Khoảng một năm trở lại đây, ngoài nội dung được học ở trường, cu cậu bắt đầu phải làm bài tập về nhà do cô giáo giao.
Ban đầu là các bài tập đơn giản, tần suất thưa. Nhưng rồi bài tập dày và khó dần. Gần như tối nào cũng có bài tập: tập viết, tập đọc, toán. Ăn tối xong, bố mẹ thay nhau: một người dọn dẹp, rửa bát; còn người kia vào học với con sau khi cu cậu vệ sinh cá nhân và nghỉ ngơi với một chút.
Qua quá trình làm bài tập về nhà cùng cháu, tôi nhận ra một điều – chỉ tiêu, kỳ vọng mà cô giáo phấn đấu, là trước khi vào lớp một, cháu phải đọc thông viết thạo. Không chỉ thế, cháu cần thành thạo các phép tính cộng trừ trong phạm vi 20.
Đặc biệt là bài tập viết. Cháu phải viết khá nhiều, viết cho đến lúc nào giống hoặc gần giống nét mẫu trong trang của cô. Nếu cháu viết chưa đạt thì bố mẹ đốc thúc, khuyến khích, thậm chí cả ép buộc, dọa nạt. Cu cậu làm theo, nhưng đôi khi ấm ức, nhiều lần vừa làm vừa rơi nước mắt. Mẹ cháu bảo, học thế này thì làm sao theo kịp các bạn khi vào lớp một hả con?
Nhưng đến một lúc tôi giật mình tự hỏi: làm sao có thể bắt đứa trẻ 5 tuổi viết đẹp như cô giáo được. Tay cháu còn yếu cơ mà, cháu đã hoàn toàn điều khiển được tay mình như người lớn đâu. Và phép toán cộng trừ thật sự quá sức với lứa tuổi đó. Vì sao phải đọc thông viết thạo, biết làm toán trước khi vào lớp một?
Tôi vẫn nhớ những ngày lớp một của tôi mấy mươi năm trước. Giờ tập đọc, tập viết là vui nhất. Cô giáo viết chữ lên bảng đen, đọc mẫu trước rồi cô gõ thước xuống bảng, ra tín hiệu cho cả lớp đồng thanh đọc theo. Nhà tôi ở gần trường, tiếng học sinh lớp một ê a đọc chữ sau tiếng gõ thước lên bảng của cô giáo đã trở thành những âm thanh rất đặc trưng, quen thuộc qua năm tháng.
Giờ tập viết, mỗi bạn có một cái bảng đen, cô viết mẫu, cả lớp viết vào bảng, khi cô gõ thước, cả lớp giơ bảng lên cho cô xem. Khi nào viết ở bảng đẹp, chúng tôi mới bắt đầu viết vào vở.
Còn ở mẫu giáo, chúng tôi học với cô giáo trường làng, chủ yếu được dạy hát, múa và chơi những trò rất đơn giản như câu cá bằng giấy trong một vòng tròn giữa lớp, chơi rồng rắn lên mây, mèo đuổi chuột… Bây giờ, các con đi học mẫu giáo được trang bị nhiều kỹ năng, kiến thức quan trọng hơn. Con biết tín hiệu giao thông ngược chiều, thấy một cái cây bé, con thích thú chăm sóc vì muốn cây lớn lên sẽ góp phần bảo vệ môi trường; khi ho, con biết lấy tay che miệng. Đó là những khía cạnh mà con được trang bị tốt hơn thế hệ chúng tôi.
Nhưng khi đã mang trong lòng nỗi ưu tư về chuyện “học nâng cao ở mẫu giáo”, tôi tự tìm hiểu và ít nhiều thông cảm với các cô. Bởi nếu vào lớp một mà các cháu vẫn chưa đọc thông viết thạo, chưa làm toán tốt, thì các cô sẽ bị giáo viên lớp một thắc mắc: ở dưới mẫu giáo, các cô đã dạy những gì mà các cháu “kém” như vậy. Nhiều thắc mắc như vậy được đồn thổi sẽ ảnh hưởng đến uy tín của trường. Áp lực của trường kết hợp với mong đợi của phụ huynh khiến cho nhiều giáo viên mẫu giáo phải làm luôn cả việc của cô giáo lớp một.
Tôi cũng có câu hỏi tương tự: Lớp một sẽ dạy những gì mà các con ở mẫu giáo phải học như một cuộc chạy đua đến thế?
Rất khó để truy vết lại, xem cuộc chạy đua đọc thông viết thạo tiền lớp một đã bắt đầu như thế nào, từ đâu. Nhưng tôi không loại trừ khả năng, chính phụ huynh chúng tôi đã làm khổ con mình, bằng việc đồn thổi với nhau rằng “lớp một học ghê lắm, lơ mơ là không theo kịp đâu”.
Mục tiêu “đọc thông viết thạo, làm toán nhanh” của con tôi đã được bố mẹ hoãn lại, để con tận hưởng nốt tuổi lên ba lên năm.
Không đứa trẻ nào đáng bị coi là thất bại chỉ vì chưa biết chữ trước khi vào lớp một.
Đặng Quỳnh Giang (nguồn: vnExpress)
Tham khảo thêm: