Nghệ thuật giúp học sinh tư duy nhiều hơn trong giờ học

Cẩm nang dạy học – Khi tham gia tích cực vào bài học trên lớp, học sinh sẽ hiểu bài sâu hơn, nắm bài vững hơn và nhớ lâu hơn. Chính vì vậy việc giúp học sinh tập trung và hăng hái xây dựng bài là một việc làm rất quan trọng của giáo viên. Trong bài viết dưới đây Cẩm nang dạy học muốn đưa ra cho thầy cô tham khảo một số phương pháp giúp học sinh tư duy nhiều hơn trong giờ lên lớp của bạn.

1. Luôn bắt đầu giờ học bằng một câu hỏi

 Đặt câu hỏi là một yêu tố quan trọng, là linh hồn và là trung tâm của dạy học phát triển năng lực. Việc sử dụng các câu hỏi một cách có hiệu quả không chỉ đem lại hiệu ứng tích cực trong dạy học mà còn giúp học sinh tư duy nhiều hơn. Những câu hỏi giúp học sinh hiểu được chúng cần phải suy nghĩ cái gì. Chẳng hạn trước khi bắt đầu giảng bài thầy cô đặt một vài câu hỏi như sau:

“Điều gì khiến chúng ta luôn luôn phải học tập không ngừng…?”

“Vì sao con người sống cần phải có cộng đồng?”

Hoặc một câu hỏi liên quan trực tiếp tới nội dung bài học để giới thiệu nội dung mới của bài học. Trước tiên thầy cô nên kiểm tra nhận thức của học sinh về nội dung hoặc chủ đề bài học bằng cách yêu cầu học sinh tự mình trả lời thật nhanh một vài câu hỏi, kết hợp với so sánh theo cặp hoặc trong nhóm. Ví dụ trước một buổi học về thảm hoạ thiên nhiên, thầy cô có thể yêu cầu học sinh tự mình trả lời những câu hỏi dưới đây, sau đó so sánh với các bạn khác trong nhóm:

Hãy kể tên những thảm họa môi trường mà em biết? Nó có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người và hệ sinh thái?”

giúp học sinh tư duy

2. Đặt câu hỏi và tạo điều kiện cho học sinh trao đổi với nhau.

Liên tục đặt những câu hỏi trong suốt giờ học (nhưng lưu ý phải đúng thời điểm và phù hợp với nội dung bài học), như vậy buổi học mới thực sự trở thành một cuộc đàm thoại. Việc đặt câu hỏi cho học sinh và yêu cầu họ giơ tay phát biểu dễ dàng hơn nhiều là yêu cầu họ nói. Những câu hỏi thú vị với một đáp án bất ngờ sẽ có tác dụng rất lớn trong việc thu hút sự chú ý của học sinh. Khi sử dụng những câu hỏi phù hợp trong giờ học, sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc khơi dậy và kích thích tư duy của học sinh. Câu hỏi hay nhất là câu hỏi khiến học sinh tư duy nhiều nhất nhưng phù hợp với nội dung bài học.

Trong khi giảng bài, thầy cô nên nhấn mạnh những điểm quan trọng. Đưa ra cho học sinh một câu hỏi với một số lựa chọn dựa trên những nội dung mà thầy cô đã giảng. Yêu cầu học sinh chọn một đáp án thích hợp, sau đó thảo luận với nhóm của mình và phải thuyết phục làm sao để cả nhóm đồng ý với đáp án đó. Khi đã hết thời gian thảo luận, yêu cầu các nhóm quyết định lại một lần nữa việc lựa chọn đáp án. Thường là có nhiều học sinh tìm ra được đáp án đúng hoặc phù hợp nhất khi xem lại lần thứ hai.

3. Dành thời gian cho những câu hỏi cuối mỗi giờ học.

Cuối mỗi giờ học thầy cô nên hỏi học sinh xem có vấn đề gì mà các em còn chưa hiểu rõ hay không. Nếu có gì thắc mắc, các em có thể giơ tay phát biểu để đặt câu hỏi, và đây cũng là cơ hội cho những bạn đã nắm vững bài học thể hiện bằng việc trả lời giúp thầy cô. Đây cũng là một cách để thầy cô giúp học sinh tư duy tốt hơn khi hệ thống lại kiến thức trong bài học.

giúp học sinh tư duy

4. Kiểm “tra một phút” cuối giờ học

Trong bài kiểm tra này, thầy cô yêu cầu học sinh trả lời hai câu hỏi:

  • a) Vấn đề quan trọng nhất trong giờ học là gì?
  • b) Kết thúc buổi học các em có câu hỏi gì về nội dung bài học hay không?

Sau một phút hãy thu lại tất cả bài làm của học sinh và đọc một cách cẩn thận. Thầy cô hoàn toàn có thể sử dụng một vài câu hỏi trong đó cho nội dung của buổi học sau. Thủ thuật này sẽ khuyến khích học sinh chú ý lắng nghe bài giảng hơn, xem lại vở ghi của chúng và nghĩ lại về bài học trước khi bước vào một giờ học mới.

Như vậy tác dụng của việc đặt câu hỏi trong bài giảng là rất lớn. Thầy cô nên sử dụng triệt để các dạng câu hỏi khác nhau để giúp học sinh tư duy và tham gia giờ học một cách tích cực và hăng hái nhất.

Chúc thầy cô có những giờ hàng thật thú vị và hiệu quả.

Billy Nguyễn