Các mẫu câu hỏi theo mức độ nhận thức của học sinh

Cẩm nang dạy học – Đã từ lâu Thang cấp độ nhận thức được xem là công cụ nền tảng để xây dựng mục tiêu và hệ thống hóa các câu hỏi, bài tập dùng để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập đối với học sinh. Trong bài này Cẩm nang dạy học sẽ cung cấp cho thầy cô một số dạng mẫu câu hỏi theo mức độ nhận thức của học sinh để chúng ta có thể sử dụng một cách phù hợp và hiệu quả.

mẫu câu hỏi

1. Câu hỏi Biết

Ứng với mức độ lĩnh hội 1 “nhận biết”

  • Mục tiêu của loại câu hỏi này là để kiểm tra trí nhớ của Hs về các dữ liệu, số liệu, các định nghĩa, tên tuổi, địa điểm,…
  • Việc trả lời các CH này giúp Hs ôn lại được những gì đã học, đã đọc hoặc đã trải qua.
  • Các từ để hỏi thường là:
    • CÁI GÌ…
    • BAO NHIÊU…
    • HÃY ĐỊNH NGHĨA…
    • CÁI NÀO…
    • EM BIẾT NHỮNG GÌ VỀ…
    • KHI NÀO…
    • BAO GIỜ…
    • HÃY MÔ TẢ…
  • Ví dụ:
    • Hãy phát biểu định nghĩa chuyển động cơ học hoặc hãy liệt kê một số vật liệu thường dùng để chống ô nhiễm tiếng ồn.

2. Câu hỏi Hiểu

Ứng với mức độ lĩnh hội 2 “thông hiểu”

  • Mục tiêu của loại câu hỏi này là để kiểm tra cách Hs liên hệ, kết nối các dữ liệu, số liệu, tên tuổi, địa điểm, các định nghĩa…
  • Việc trả lời các câu hỏi này cho thấy Hs có khả năng diễn tả bằng lời nói, nêu ra được các yếu tố cơ bản hoặc so sánh các yếu tố cơ bản trong nội dung đang học.
  • Các cụm từ để hỏi thường là:
    • TẠI SAO…,
    • HÃY PHÂN TÍCH…,
    • HÃY SO SÁNH…,
    • HÃY LIÊN HỆ…,
    • HÃY PHÂN TÍCH…,…
  • Ví dụ:
    • Hãy tính vận tốc của vật khi biết cụ thể độ dài quãng đường đi được và thời gian để đi hết quãng đường đó
    • Hãy xác định giới hạn đo và chia nhỏ nhất của bình chia độ.

3. Câu hỏi Vận dụng

Ứng với mức độ lĩnh hội 3 “vận dụng”

  • Mục tiêu của loại câu hỏi là để kiểm tra khả năng áp dụng các dữ liệu, các khái niệm, các quy luật, các phương pháp… vào hoàn cảnh và điều kiện mới.
  • Việc trả lời các câu hỏi áp dụng cho thấy Hs có khả năng hiểu được các quy luật, các khái niệm… có thể lựa chọn tốt các phương án để giải quyết, vận dụng các phương án vào thực tiễn. Khi đặt câu hỏi cần tạo ra những tình huống mới khác với điều kiện đã học trong bài học
  • Các cụm từ để hỏi thường là:
    • LÀM THẾ NÀO…,
    • HÃY TÍNH SỰ CHÊNH LỆCH GIỮA…,
    • EM CÓ THỂ GIẢI QUYẾT KHÓ KHĂN VỀ … NHƯ THẾ NÀO”,…
  • Ví dụ:
    • Hãy tính vận tốc trung bình của một ô tô đi từ tỉnh A đến tỉnh B biết độ dài quãng đường đó là 150 km, ô tô khởi hành lúc 8h15’ và đến vào lúc 12h30’.
    • Làm thế nào để sử dụng thước dài đã bị gãy đầu có vạch số 0?
    • Làm rõ những phương pháp………..dùng cho mục đích……..
    • Đoán nguyên nhân của…..

4. Câu hỏi Phân tích

Ứng với mức độ lĩnh hội 4 “phân tích”

  • Mục tiêu của loại câu hỏi này là để kiểm tra khả năng phân tích nội dung vấn đề, từ đó đi đến kết luận, tìm ra mối quan hệ hoặc chứng minh một luận điểm.
  • Việc trả lời câu hỏi này cho thấy Hs có khả năng tìm ra được mối quan hệ mới, tự diễn giải hoặc đưa ra kết luận. Việc đặt câu hỏi phân tích đòi hỏi Hs phải giải thích được các nguyên nhân từ thực tế. Các câu hỏi phân tích thường có nhiều lời giải (thể hiện sáng tạo)
  • Các cụm từ để hỏi thường là:
    • TẠI SAO…, đi đến kết luận
    • EM CÓ NHẬN XÉT GÌ VỀ…,
    • HÃY CHỨNG MINH….
  • Ví dụ:
    • Từ kết quả thí nghiệm, hãy nhận xét về mối quan hệ giữa độ lớn của lực kéo với độ nghiêng của mặt phẳng nghiêng
    • Hãy chứng minh cái đinh vít là 1 dạng của mặt phẳng nghiêng.
    • Chỉ ra những lỗi trong đoạn văn luận chứng sau………………
    • Dữ liệu nào cần để………….

5. Câu hỏi Tổng hợp

Ứng với mức độ lĩnh hội 5 “tổng hợp”

  • Mục tiêu của câu hỏi loại này là để kiểm tra xem Hs có thể đưa ra những dự đoán, giải quyết vấn đề, đưa ra câu trả lời hoặc đề xuất có tính sáng tạo.
  • Câu hỏi tổng hợp thúc đẩy sự sáng tạo của Hs, các em phải tìm ra những nhân tố và ý tưởng mới để có thể bổ sung, cho nội dung. Để trả lời câu hỏi tổng hợp khiến Hs phải: dự đoán, giải quyết vấn đề và đưa ra các câu trả lời sáng tạo. Cần nói rõ cho Hs biết rõ rằng các em có thể tự do đưa ra những ý tưởng, giải pháp mang tính sáng tạo, tưởng tượng của riêng mình. Gv cần lưu ý rằng câu hỏi loại này đòi hỏi một thời gian chuẩn bị khá dài, vì vậy hãy để cho Hs có đủ thời gian tìm ra câu trả lời.
  • Ví dụ:
    • Hãy đề ra những biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn cho những gia đình sống bên cạnh đường giao thông lớn có nhiều loại xe cộ qua lại
    • Hãy tìm cách xác định thể tích của vật thấm nước (những viên phấn) bằng bình chia độ.
    • Bạn sẽ đưa ra kết luận của câu chuyện………..như thế nào?
    • Đưa ra một kế hoạch cho………..

6. Câu hỏi Đánh giá

Ứng với mức độ lĩnh hội 6 “đánh giá”

  • Mục tiêu của loại câu hỏi này là kiểm tra xem Hs có thể đóng góp ý kiến và đánh giá các ý tưởng, giải pháp,… dựa vào những tiêu chuẩn đã đề ra.
  • Ví dụ:
    • Theo em trong 2 phương pháp đo thể tích bằng bình chia độ và bằng bình tràn thì phương pháp nào cho kết quả chính xác hơn?
    • Lý do của………….là gì
    • Trên cơ sở những tiêu chuẩn sau……… đánh giá giá trị của………

Kết luận

Hiệu quả kích thích tư duy học sinh khi đặt câu hỏi ở mức độ nhận thức thấp hay cao sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của học sinh. Sẽ hoàn toàn vô tác dụng nếu giáo viên đặt câu hỏi khó để học sinh không có khả năng trả lời được. Và mặt khác, thật không có nghĩa nếu đặt câu hỏi quá dễ đối với khả năng của học sinh. Giáo viên cần có nhận xét, động viên ngay những câu hỏi, trả lời đúng cũng như câu hỏi trả lời chưa đúng. Nếu tất cả học sinh đều trả lời sai thì Giáo viên cần đặt câu hỏi đơn giản hơn để học sinh có thể trả lời được; vì học sinh chỉ có hứng thú học khi họ cảm thấy thành công trong học tập.

Tham khảo thêm: Những kỹ năng hình thành năng lực ứng xử của giáo viên khi đặt câu hỏi

Billy Nguyễn (tham khảo chọn lọc tại tủ sách khoa học)