Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo: Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Chuyên gia chia sẻ giải pháp tháo gỡ, đặc biệt từ hành lang pháp lý là Luật Nhà giáo. Trong đó đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo là một giải pháp hữu hiệu

Chỉ ra những vấn đề còn khó khăn, tồn tại trong đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ giải pháp tháo gỡ, đặc biệt từ hành lang pháp lý là Luật Nhà giáo.

PGS.TS Trần Thành Nam tại buổi nhập học cho tân sinh viên. Ảnh: NVCC

Còn khó khăn, bất cập

– Ông nhận định thế nào về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo hiện nay?

– Đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo để không ngừng phát triển về chuyên môn là nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục cần được bảo đảm. Hiện, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo cơ bản được ban hành đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ.

Thủ tướng Chính phủ ban hành các đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Đề án 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2016, Đề án 33/QĐ-TTg ngày 8/1/2019, Đề án 89/QĐ-TTg ngày 18/1/2019). Chính phủ đồng thời đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút học sinh giỏi vào học sư phạm. Ví như chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số.

Luật Viên chức cũng có quy định về đào tạo, bồi dưỡng viên chức (Điều 33 đến Điều 35), gồm: Đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ quản lý; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; bồi dưỡng nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ hoạt động nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội còn ban hành các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, như: Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; Chương trình bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh; bồi dưỡng theo chuẩn nhà giáo, chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp…

Thực tế giám sát và đánh giá việc bảo đảm điều kiện về đội ngũ nhà giáo trong tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 – 2022 cho thấy: Bên cạnh những kết quả, ưu điểm nổi bật trong xây dựng đội ngũ nhà giáo những năm qua, vẫn tồn tại dai dẳng bất cập về động lực, năng lực và cơ cấu đội ngũ trước yêu cầu đổi mới.

Đến nay, pháp luật chưa quy định tiêu chuẩn đặc thù đối với nhà giáo. Việc áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện của viên chức chung cho nhà giáo là không phù hợp. Đối với nhà giáo giảng dạy tại cơ sở ngoài công lập (khoảng 10% – 160.856 người), các quy định về xử lý kỷ luật hiện đang áp dụng theo Bộ luật Lao động không phù hợp.

Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo vẫn tồn tại những bất cập, như có sự chồng chéo về nội dung bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu tại các cơ sở giáo dục công lập và bồi dưỡng bắt buộc với viên chức, dẫn đến thiếu hiệu quả, lãng phí thời gian và nguồn lực. Nhiều khóa bồi dưỡng chưa thực sự đảm bảo chất lượng. Nhiều nội dung đào tạo bồi dưỡng về tin học, ngoại ngữ, năng lực số chưa thiết kế cá nhân hóa để giúp nhà giáo lớn tuổi theo kịp.

Bên cạnh đó, ý thức, tinh thần thái độ của một bộ phận nhỏ nhà giáo tham gia đào tạo bồi dưỡng và tự nâng cấp bản thân chưa cao. Ngân sách Nhà nước không cấp kinh phí để bồi dưỡng cho nhà giáo dân lập, tư thục nên việc bồi dưỡng đối với đội ngũ này phụ thuộc vào sự quan tâm đầu tư và khả năng tài chính của cơ sở giáo dục.

Chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là người nước ngoài. Cũng chưa có căn cứ, hướng dẫn để đánh giá việc đáp ứng chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên người nước ngoài.

Sinh viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NTCC

Bảo đảm chất lượng

– Bộ GD&ĐT đang xây dựng Luật Nhà giáo. Từ dự thảo Luật Bộ GD&ĐT công bố xin ý kiến góp ý rộng rãi, ông nhận thấy đã tháo gỡ được những khó khăn, tồn tại trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ như đề cập ở trên chưa?

– Dự thảo Luật Nhà giáo phản ánh chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, cập nhật xu thế thế giới để đáp ứng những quy định đặc thù cho nghề nghiệp nhà giáo, khác đội ngũ công chức, viên chức nói chung. Ban hành Luật Nhà giáo sẽ giải quyết những vướng mắc xung quanh quy định liên quan đến nhà giáo đang được chi phối bởi Bộ luật Lao động, Luật Viên chức, Luật Phòng chống tham nhũng. Những vướng mắc cơ bản liên quan đến các loại hình hợp đồng lao động và các quyền hành nghề trong lĩnh vực giáo dục kèm theo.

Tuy nhiên, nhà giáo là một khái niệm bao quát nhiều cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nên trong Luật cần có những quy định thể hiện được sự đặc thù các nhóm này. Ví dụ, chế độ làm việc cũng như yêu cầu đào tạo bồi dưỡng cập nhật kiến thức đối với giáo viên mầm non khác giáo viên phổ thông; chế độ làm việc và yêu cầu đào tạo bồi dưỡng của giảng viên đại học khác với giáo viên mầm non và phổ thông. Làm thế nào để đảm bảo tính công bằng về đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên trong các tổ chức giáo dục phi chính thức, nhà giáo là người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Trong dự thảo lần này, những điều chỉnh liên quan đến công tác đào tạo bồi dưỡng đã tạo điều kiện cho nhà giáo cả công và tư được bảo đảm các điều kiện để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Biến đào tạo bồi dưỡng trở thành động lực tự thân của nhà giáo.

Vị thế nghề nghiệp không chỉ giới hạn ở trong nước mà còn nâng tầm quốc tế, để nhà giáo sẵn sàng tham gia thị trường lao động các nước trong khu vực và quốc tế. Đồng thời huy động được các nguồn nhân lực quốc tế để phát triển. Quy định về trách nhiệm hỗ trợ tài chính cũng giúp cơ sở giáo dục có khả năng thu hút thí sinh giỏi, tâm huyết với nghề chọn theo học tại trường sư phạm để bổ sung nguồn lực nhà giáo, tránh hiện tượng khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực.

PGS.TS Trần Thành Nam. Ảnh: NVCC

– Ông còn có đóng góp gì cho dự thảo Luật Nhà giáo liên quan đến quy định về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo?

– Liên quan trực tiếp đến đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo, dự thảo đã phân biệt đào tạo giáo viên và giảng viên. Tuy nhiên, cần có quy định rõ hơn về đào tạo giảng viên cho cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng về các năng lực nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế và thành thạo nghề.

Với một số trường cao đẳng, trường đại học định hướng ứng dụng, nguồn nhân lực giảng viên chất lượng không phụ thuộc vào bằng cấp, mà là mức độ thành thạo nghề (nghệ nhân), hoặc sở hữu các bằng sáng chế. Có thể nên quy định về bằng cấp và đào tạo khác nhau giữa giảng viên thực hành và giảng viên nói chung khi tham gia chương trình đào tạo ở bậc đại học.

Chương trình đào tạo nhà giáo phải được thiết kế đạt những chuẩn đầu ra cơ bản đáp ứng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Ví dụ như các phẩm chất: Trung thực, trách nhiệm, chuyên nghiệp và năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo, nghiên cứu vận dụng tri thức chuyên ngành và liên ngành; năng lực hợp tác quản lý, phát triển chuyên môn nghề nghiệp…

Tất cả chương trình đào tạo phải được kiểm định chất lượng giáo dục. Làm thế nào để đào tạo nhà giáo dạy các môn khoa học cơ bản phải có sự khác biệt với đào tạo sinh viên các ngành khoa học cơ bản. Ví dụ, đào tạo sinh viên Sư phạm Vật lý phải khác với chuẩn đào tạo sinh viên ngành Vật lý.

Về các chương trình bồi dưỡng, chỉ những cơ sở giáo dục đủ điều kiện đảm bảo chất lượng mới được cấp phép ban hành chương trình đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng giáo trình, tài liệu, học liệu để triển khai đào tạo bồi dưỡng. Nội dung và chuẩn đầu ra của các chương trình bồi dưỡng cũng cần được kiểm định và đánh giá định kỳ để điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu của thị trường lao động.

Để hướng đến việc cấp chứng chỉ hành nghề, đào tạo bồi dưỡng cũng cần quy định nhà giáo có nghĩa vụ tham gia cập nhật kiến thức tối thiểu tương đương (ví dụ 120 giờ tín chỉ trong 5 năm liên tục; 1 giờ tín chỉ đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tương đương 1 tiết học trong 15 tuần).

Về nội dung bồi dưỡng, nên nhấn mạnh hơn vào các năng lực giáo dục của nhà giáo, năng lực xây dựng môi trường giáo dục và thiết lập mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội. Việc đào tạo bồi dưỡng phải đi kèm với cơ chế đánh giá (của cơ quan chủ quản) và tự đánh giá (đưa vào quy định nhiệm vụ và quyền của nhà giáo khi tham gia bồi dưỡng). Cần xây dựng một hệ thống phản hồi minh bạch và hiệu quả ý kiến của các bên liên quan để cải thiện chất lượng chương trình bồi dưỡng.

Về hình thức bồi dưỡng nhà giáo, có thể bổ sung hình thức nghỉ để tự bồi dưỡng phát triển chuyên môn có lương (sabbatical leave) nhằm tập trung vào nghiên cứu, sáng tạo và phát triển chuyên môn nghề nghiệp cho nhà giáo. Tham gia các seminar nghiên cứu bài học (lesson study) với đồng nghiệp trong và ngoài nước về từng chủ đề bài học để cải thiện tiếp cận, phương pháp giảng dạy của mình.

Nhà nước có thể xây dựng quỹ hỗ trợ Phát triển chuyên môn cho nhà giáo để hỗ trợ công tác bồi dưỡng bắt buộc và giao cho cơ sở giáo dục cơ chế hỗ trợ cho đội ngũ khi tham gia các khóa bồi dưỡng tự chọn theo nhu cầu cá nhân hóa.

Bên cạnh đó, cần có quy định về hành nghề của nhà giáo nước ngoài tại Việt Nam; trong đó có quy định về bồi dưỡng để đáp ứng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo tại Việt Nam (ví dụ các tiêu chuẩn về văn hóa), vì họ sẽ tham gia vào các hoạt động đào tạo bồi dưỡng những người trẻ và tạo ra ảnh hưởng lâu dài.

Chúng ta cũng chưa có quy định để thu hút và đào tạo bồi dưỡng bổ sung những nhà giáo gốc Việt tốt nghiệp các chương trình đào tạo giáo viên ở nước ngoài trở về tham gia vào đội ngũ nhân lực nhà giáo tại Việt Nam. Cần có chương trình hỗ trợ cụ thể để giúp những cá nhân này hội nhập và thích nghi với chuẩn nghề nghiệp nhà giáo tại Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Quý Thanh – Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội trao giấy khen cho sinh viên có thành tích tốt trong hoạt động Đoàn, lớp và sinh viên có cố gắng vươn lên trong học tập. Ảnh: NTCC

Khác biệt về chứng chỉ hành nghề

– Ông có nhắc đến chứng chỉ hành nghề, đây cũng là nội dung thu hút nhiều sự quan tâm trong dự thảo Luật Nhà giáo. Ông có ý kiến gì liên quan đến nội dung này?

– Quy định chứng chỉ hành nghề, một mặt để bảo vệ quyền hành nghề của nhà giáo, quan trọng hơn là bảo vệ các đối tượng chịu sự tác động của việc hành nghề đó, nhất là đối tượng kém ưu thế. Vì vậy, chứng chỉ hành nghề chỉ nên quy định đối với giáo viên mầm non, phổ thông, kể cả nhóm hành nghề bảo mẫu gia đình.

Đối với giảng viên đại học, không nên đi theo hướng chứng chỉ hành nghề mà nên đặt ra các tiêu chuẩn của giảng viên đại học, đặc biệt giảng viên các ngành liên quan đến đào tạo giáo viên, đào tạo lĩnh vực sức khỏe và các lĩnh vực có cấp phép khác.

Thời hạn của chứng chỉ hành nghề: Cấp lần đầu có thể 5 năm, nhưng các lần tiếp theo tùy theo mức độ đáp ứng và không vi phạm của giai đoạn trước để có thể xem xét cấp 10 năm.

Đối với hợp đồng nhà giáo tại bậc phổ thông, ngoài hợp đồng có thời hạn, nên cân nhắc có thêm hình thức hợp đồng không thời gian đối với các trường hợp đáp ứng tốt với chứng chỉ hành nghề để giáo viên yên tâm công tác.

Ngoài ra, tôi cũng có thêm một số nội dung góp ý cho dự thảo Luật Nhà giáo như sau:

Liên quan đến những vấn đề chung, nên thống nhất trong toàn văn bản là thay cụm từ “hành nghề dạy học” bằng “hành nghề giáo dục”, “chuẩn nhà giáo” bằng “chuẩn nghề nghiệp nhà giáo”, “hợp đồng dạy học” chuyển thành “hợp đồng nhà giáo” hoặc “hợp đồng thực hiện hoạt động giáo dục” vì dạy học chỉ là một phần của công tác giáo dục.

Cần điều chỉnh ngạch và hạng của giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp chứ không theo chức danh nghề nghiệp và xếp mức lương tương ứng với sự thành thạo nghề nghiệp. Ví dụ theo các mức: Vào nghề, thành thạo, nâng cao và xuất sắc.

Đối với giảng viên đại học, cần tích hợp chức danh GS, PGS vào hạng nghề nghiệp của giảng viên. Cần phân tách hạng GS, PGS; không nên gộp GS, PGS vào một hạng là giảng viên cao cấp. Như vậy, giảng viên đại học nên có các hạng: Giảng viên trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, PGS và GS.

Những quy định về chế độ làm việc của nhà giáo ở bậc sau phổ thông nên giao quyền cho các cơ sở giáo dục sau phổ thông quyết định, vì chế độ nghỉ hè, nghỉ phép khác biệt rất nhiều so với bậc phổ thông.

Về vấn đề đánh giá nhà giáo, hoạt động giáo dục của một năm học được triển khai không theo năm dương lịch mà trải ra cả 2 năm, bắt đầu từ giữa tháng 8 năm học trước và kết thúc vào khoảng tháng 6, tháng 7 của năm sau. Vì vậy, chỉ nên đánh giá một lần theo năm học và theo chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, không nên thực hiện đánh giá viên chức hằng năm theo năm tài chính.

– Trân trọng cảm ơn ông!

“Nếu coi nhà giáo là nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong nghề dạy học, họ cần được đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ, tôn vinh theo một kế hoạch chiến lược. Từ đó, bảo đảm có sự gắn kết giữa số lượng, năng lực, động lực và cơ cấu của đội ngũ nhà giáo với các mục tiêu và yêu cầu phát triển của giáo dục”. – PGS.TS Trần Thành Nam

Tham khảo thêm: