1. Nguyên tắc đành giá năng lực
Nguyên tắc đánh giá trong giáo dục STEM bám sát nguyên tắc đánh giá năng lực chung, đó là:
- Đánh giá bám sát mục tiêu phát triển năng lực.
- Đánh giá quá trình kết hợp với đánh giá kết quả. Đánh giá quá trình thông qua quan sát trực tiếp, thông qua sản phẩm của quá trình. Đánh giá kết quả thông qua sản phẩm cuối cùng, thông qua bài kiểm tra.
- Đánh giá của giáo viên sử dụng cả các kết quả tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng
Để nắm bắt tốt hơn mục đích và các đặc điểm của giáo dục STEM cũng như để triển khai hướng dẫn việc dạy và học STEM một cách đúng đắn, các khung đánh giá và công cụ trong khoa học giáo dục đương thời nên được xem xét lại và cải tạo cho phù hợp. Ngoài ra, các công cụ thích hợp, phù hợp với việc học tập theo định hướng STEM, nên được phát triển để đánh giá việc giảng dạy và học tập một cách hiệu quả.
Các công cụ sử dụng cần thỏa mãn được các tiêu chí:
- Tương thích với công cụ đa phương tiện và mô phỏng. Vì vậy, bối cảnh thực tế và tài liệu có thể được xây dựng cho học sinh để minh hoạ việc cho quá trình khám phá và quy trình kỹ thuật, giải quyết các vấn đề:
- Hỗ trợ nhiều cách để ghi lại những suy nghĩ, vấn đề thực tiễn và sản phẩm của học sinh, bao gồm các bài viết, hình ảnh hoặc video. Theo đó, học sinh có thể thể hiện nhiều cách tiếp cận khác nhau trong việc giải quyết các vấn đề. Việc học theo định hướng STEM của học sinh nhờ vậy có thể được hiểu và đánh giá một cách sâu sắc và chính xác hơn;
- Tạo điều kiện cho việc thảo luận và cộng tác giữa các học sinh. Nhờ đó, học sinh được khuyến khích làm việc nhóm hiệu quả để khám phá và giải quyết các vấn đề. Sự tham gia và đóng góp của mỗi học sinh vào việc giải quyết vấn đề có thể được nhìn thấy và đánh giá.
Khung đánh giá của mỗi nội dung giáo dục STEM cần mô tả một cách linh hoạt dựa trên ý kiến của các chuyên gia, giáo viên có kinh nghiệm.
2. Quy trình đánh giá năng lực
Việc đánh giá cần bám sát mục tiêu dạy học, do đó, nếu mục tiêu dạy học thể hiện rõ cả ba yếu tố: nội dung cốt lõi cần đạt, hành vi cần thực hiện và mức độ chất lượng cần có của hành vi đó, thì việc đánh giá cũng sẽ phải thể hiện được cả ba yếu tố này. Điều đó đòi hỏi phải phối hợp đánh giá quá trình và đánh giá kết quả.
Đánh giá theo nghĩa rộng bao gồm hai quá trình: kiểm tra (assessment) và đánh giá (evaluation). Trong sơ đồ dưới đây quá trình thu thập các thông tin về các biểu hiện năng lực của học sinh chính là quá trình kiểm tra và quá trình so sánh thông tin thu được với các tiêu chí trong cấu trúc năng lực chính là quá trình đánh giá.
Đánh giá năng lực sẽ phải thông qua đánh giá các hành vi của năng lực đó trong các bối cảnh cụ thể. Do đó, để đánh giá năng lực cần chuyển hoá các hành vi năng lực thành các mục tiêu dạy học cụ thể, việc đánh giá các hành vi này sẽ được sử dụng theo các bước:
- Giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện các hành vi cần đánh giá.
- Thu thập các minh chứng về hành vi cần đánh giá. Tùy theo các hành vi khác nhau mà ta sẽ sử dụng những công cụ khác nhau để thu thập minh chứng về các hành vi này. Đó có thể là phiếu học tập, hồ sơ dự án, sản phẩm dự án hoặc thông qua quan sát trực tiếp quá trình của học sinh
- Đánh giá các thông tin thu được thông qua việc so sánh các minh chứng với các tiêu chí chất lượng hành vi đã mô tả trong cấu trúc năng lực. Ví dụ quen thuộc nhất của việc này đó là đối chiếu bài làm của học sinh với đáp án của giáo viên. Với các hành vi phức tạp như thuyết trình, làm thí nghiệm … cần sử dụng bảng đánh giá theo tiêu chí (Rubric) để hỗ trợ quá trình so sánh này nhằm đảm bảo tính khách quan trong việc đánh giá
Tổng hợp: Nguyễn Nam – tham khảo STEM trong giáo dục phổ thông
Tham khảo thêm: