Để có sự định hướng tổ chức dạy học một chủ đề, một bài học STEM, chúng ta có thể dựa trên những đặc trưng sau của bài học STEM:
Đặc trưng thứ nhất, bài học STEM gắn với tình huống và vấn đề thực tiễn: Các tình huống hoặc các vấn đề thực tiễn được nêu ra có liên quan đến các vấn đề xã hội, kinh tế, môi trường cần được có những giải pháp và nỗ lực thực hiện. Những vấn đề thực tiễn có thể gắn với cá nhân học sinh, với thực tiễn địa phương hoặc là vấn đề toàn cầu.
Đặc trưng thứ hai, bài học STEM thường được phỏng theo quy trình thiết kế kỹ thuật: Học sinh được yêu cầu thiết kế, chế tạo, vận hành thử nghiệm và tối ưu hoá một sản phẩm phục vụ cho yêu cầu của đời sống. Để thực hiện được các nhiệm vụ đó, học sinh có thể được hướng dẫn thông qua văn bản, video,… hoặc dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên. Với sự định hướng, hỗ trợ của giáo viên, học sinh sẽ đặt ra các vấn đề bản thân gặp phải, có thể là tìm hiểu nguyên lý hoạt động của sản phẩm, các bước chế tạo… và tìm cách giải quyết. Trong quá trình tìm cách giải quyết sẽ có những ý tưởng nảy sinh, giải pháp mới. Quá trình thiết kế – thử nghiệm – điều chỉnh” được vận hành liên tục.
Đặc trưng thứ ba, bài học STEM dẫn học sinh vào chuỗi hoạt động tìm tòi, khám phá có kết thúc mở. Trong các bài học STEM, con đường học tập có kết thúc mở, trong một quy trình không quá ràng buộc. Điều ràng buộc, nếu có, chỉ là những vật liệu được cung cấp sẵn, hoặc cách giới hạn điều kiện vận dụng của sản phẩm. Việc giới hạn nguồn lực tạo ra sản phẩm không làm hạn chế tính sáng tạo của học sinh mà làm tăng khả năng thích ứng, tăng khả năng giải quyết vấn đề trong hoàn cảnh cụ thể của học sinh.
Đặc trưng thứ tư, bài học STEM hướng tới việc định hướng nghề nghiệp: Hoạt động STEM cơ hội cho học sinh giải quyết các nhiệm vụ của các nghề nghiệp STEM. Việc tổ .. học sinh làm việc nhóm hiệu quả, chẳng hạn như thực hiện một quy trình sản xuất là việc không dễ dàng, nhưng đem lại cơ hội cho việc giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Qua hoạt động STEM, học sinh hiểu yêu cầu cần có của nghề nghiệp. STEM, đối chiếu với khả năng, sở trường của bản thân từ đó có thể hình thành thái độ đối với nghề nghiệp trong tương lai.
Đặc trưng thứ năm, bài học STEM có các nội dung toán học và khoa học được liên kết chặt chẽ: Trong các bài học STEM, các nội dung toán học và khoa học nên được kết nối và tích hợp. Kiến thức, kĩ năng toán học và khoa học là những kiến thức nền để học sinh có thể động vào giải quyết các vấn đề thông qua các công cụ kĩ thuật và đúc rút thành các quy trình công nghệ.
Đặc trưng thứ sáu, bài học STEM không có câu trả lời đúng duy nhất, kể cả việc “thiết kế – thử nghiệm – điều chỉnh” cũng là một phần cần thiết của bài học. Các thí nghiệm khoa học cho các nhóm sẽ được diễn ra cùng lúc, có thể giống nhau nhưng chưa chắc đã ra kết quả giống nhau. Qua đó, học sinh có thể chấp nhận các kết quả tương tự hoặc bác bỏ một giả thuyết nào đó. Lớp học STEM hỗ trợ các học sinh đưa ra nhiều câu trả lời đúng và nhiều cách tiếp cận. Khi thực hiện các giải pháp, việc không thành công và điều chỉnh cũng là một phần của bài học STEM. Điều đó định hướng việc đánh giá trong các bài học STEM cần đảm bảo đi sâu vào quá trình chứ không chỉ dựa trên kết quả.
Đặc trưng thứ bảy, bài học STEM hướng tới việc phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Thông qua quá trình vận dụng kiến thức, kĩ năng của các lĩnh vực khác nhau trong giáo dục STEM sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phát triển năng lực. Việc giải quyết những nhiệm vụ thực tiễn thông thường tạo cơ hội cho học sinh thể hiện năng lực ở mức độ cao trong quá trình phát triển năng lực.
Tổng hợp: Billy Nguyễn