Có ý kiến đề xuất học sinh, phụ huynh được tham gia đánh giá giáo viên giỏi

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương thay vì đánh giá giáo viên dạy giỏi qua một tiết học thì sự chuyển biến tích cực của học sinh chính là căn cứ tốt nhất.

Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Ban hành Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông nêu rõ mục đích của hội thi là phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia giáo dục trẻ em, học sinh, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và của toàn ngành;

Tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp;

Góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện, tự học, sáng tạo, học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em đối với giáo viên mầm non; công tác giảng dạy và công tác chủ nhiệm lớp đối với giáo viên phổ thông.

Tuy nhiên, việc đánh giá giáo viên dạy giỏi hiện nay chỉ qua một tiết dạy khiến nhiều thầy cô cho rằng hội thi này chưa thực chất, chưa đáp ứng được mục đích mà Thông tư 22 đưa ra.

Rất khó để đánh giá giáo viên dạy giỏi qua 1 tiết học được tập đi tập lại nhiều lần

Cô Đinh Thu Trang – giáo viên Ngữ văn tại một trường trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã nhiều lần tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trang cho biết, tuy việc đăng ký tham gia hội thi là dựa trên sự tự nguyện, không tạo áp lực, nhưng giáo viên đều hiểu việc tham gia thi không chỉ để khẳng định năng lực bản thân mà còn đại diện cho cả một tập thể, một cơ sở giáo dục.

“Những giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi đa phần đều là những người có nhiều năm công tác, từ 10-15 năm trở lên. Khi tham gia hội thi, chúng tôi vẫn phải đảm bảo công việc chính là giảng dạy, hoàn thành các nhiệm vụ tại trường, cùng với đó là việc chăm sóc gia đình. Để tham gia hội thi, ngoài việc nâng cao kiến thức chuyên môn, chúng tôi còn cần sắp xếp, cân bằng giữa các công việc cá nhân.

Về bản chất, hội thi giáo viên dạy giỏi là nơi để chúng tôi khẳng định chuyên môn, phấn đấu trong công việc. Tuy nhiên, tôi cho rằng một cuộc thi không thể đánh giá chính xác quá trình giảng dạy của giáo viên. Chính học sinh mới là những người đánh giá chính xác và công tâm nhất về thầy cô của mình”, cô Trang chia sẻ.

Trong khi đó, chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác chấm thi giáo viên dạy giỏi, cô nhận thấy hội thi là cơ hội để giáo viên đầu tư vào bài giảng, nâng cao nghiệp vụ sư phạm, hiểu biết cá nhân. Khi tham gia thi, giáo viên sẽ có cơ hội học hỏi phương pháp giảng dạy từ các thầy, cô giáo khác. Những góp ý của hội đồng chấm thi, sự hỗ trợ của tổ chuyên môn trong quá trình dự thi cũng đem lại góc nhìn đa chiều cho giáo viên, tích luỹ kinh nghiệm trong sự nghiệp dạy học.

Chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Vũ Thu Hương. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cũng chỉ ra nhiều bất cập trong việc tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi hiện nay.

“Tiết dạy giáo viên dùng để dự thi đa phần đều được chuẩn bị công phu từ trước. Việc lặp đi lặp lại tiết dạy đó khiến học sinh không còn hứng thú với bài giảng. Trong khi đó, cô giáo đứng trên bục giảng vẫn cố gắng tương tác dẫn đến tiết học thiếu tự nhiên, không đem lại giá trị.

Nhiều năm làm công tác chấm thi, chúng tôi đã chứng kiến không ít tình huống “dở khóc dở cười”. Trong một lần chúng tôi chấm thi giáo viên dạy giỏi lớp 1, cô giáo tổ chức hoạt động “giải ô chữ”. Cô giáo vừa đọc câu hỏi đầu tiên, học sinh ở dưới đã trả lời luôn ô chữ đáp án cuối cùng. Tình huống này không chỉ khiến giáo viên bối rối mà giám khảo chấm thi như chúng tôi cũng cảm thấy ái ngại khi chấm một tiết dạy mà biết rõ đã được luyện tập rất nhiều lần”, cô Hương chia sẻ.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cũng chỉ ra một thực trạng cần lưu ý đó là khi giáo viên được cử đi thi, nhà trường sẽ ưu tiên cho giáo viên đó thời gian để chuẩn bị, đầu tư bài giảng. Điều này khiến giáo viên không còn thời gian đứng lớp. Nhà trường phải cử giáo viên khác dạy bù, phân công hỗ trợ giúp thầy, cô đi thi chuẩn bị bài giảng. Theo cô Hương, nếu sắp xếp không rõ ràng, việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới công tác dạy và học tại trường. Trong đó, đối tượng chịu tác động lớn nhất là học sinh.

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ quan điểm:

“Theo tôi, không nên đánh giá giáo viên dạy giỏi qua một tiết học. Muốn biết giáo viên dạy giỏi hay không, chúng ta có thể căn cứ vào chất lượng học sinh, tỷ lệ học sinh giỏi, cách giáo viên đó quản lý, tổ chức lớp học. Đánh giá giáo viên dạy giỏi nên đánh giá thông qua quá trình dạy và học của cả thầy cô và học sinh. Kết quả cuối cùng của giáo dục là con người. Muốn đánh giá chính xác giáo viên như thế nào nên nhìn vào chất lượng học sinh mà họ đào tạo ra”.

Đề xuất học sinh và phụ huynh được tham gia đánh giá giáo viên dạy giỏi

Để hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi mang tính thực chất, đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học trong trường học, khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện trong công tác giảng dạy, Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng không nên đưa tỷ lệ giáo viên tham gia và đạt giải trong hội thi vào đánh giá thi đua của nhà trường.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong – nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. (ảnh Internet)

“Các cơ sở giáo dục nên tạo điều kiện để thầy cô thoải mái về mặt tâm lý, không đặt nặng chuyện thắng – thua. Tham gia hội thi là để giáo viên có thêm trải nghiệm, thêm kiến thức, kỹ năng. Sau hội thi, giáo viên đó quay trở lại công việc với tâm thế tốt hơn, tạo ra những bài giảng hấp dẫn hơn, nâng cao chất lượng học sinh. Đó mới là mục đích của Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi”, thầy Dong chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, trong quá trình dự thi các thầy cô giáo cần phải trình bày 1 biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy. Theo thầy Dong, sau hội thi nên công khai các biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của giáo viên đạt giải để các giáo viên khác có thể tham khảo. Đây là cách giúp hội thi đi vào thực tế hơn.

Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, hiện nay, hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi đang đánh giá một chiều, chỉ chấm điểm cách thầy cô truyền thụ kiến thức cho học sinh. Trong khi đó, nghề giáo là sự trao đổi giữa giáo viên và học sinh. Vì vậy, để đánh giá công bằng hơn, giám khảo cần xem học sinh thu nhận được điều gì từ thầy cô.

“Sau nhiều năm chấm thi giáo viên dạy giỏi, tôi nhận thấy cuộc thi đang tồn tại dưới hình thức là một cuộc thi “tay nghề” giáo viên. Trong khi đó, thực tế giáo viên không chỉ có trách nhiệm truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn cần truyền đạt kỹ năng sống, trau dồi đạo đức cho các em. Để làm được điều này, giáo viên cần không gian, thời gian nên rất khó để thể hiện hết qua một tiết dạy”, cô Hương chia sẻ thêm.

Vì vậy, cô Hương đề xuất, khi đánh giá giáo viên dạy giỏi, ngoài kiến thức chuyên môn, cần bổ sung thêm ý kiến của học sinh và phụ huynh. Khi thay đổi hình thức đánh giá, giáo viên sẽ không tập trung quá nhiều vào bài giảng mà dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu để giúp học sinh phát triển toàn diện. Theo cô Hương, sự chuyển biến tích cực của một học sinh là kết quả đánh giá giáo viên dạy giỏi chính xác nhất.

“Chỉ dựa vào đánh giá của ban giám khảo, nhiều thầy cô sau hội thi đã quay lại chất vấn ban giám khảo về kết quả cuộc thi. Điều này vô tình đưa ban giám khảo vào thế khó, làm cho cả người tham gia thi và người chấm thi vô cùng căng thẳng. Vì vậy, việc lấy ý kiến của phụ huynh và học sinh làm một trong các căn cứ đánh giá giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi sẽ tạo sự công bằng và tăng thêm tính thực tế”, cô Hương nêu quan điểm.

Học sinh trường Tiểu học Hội Hợp B, Vĩnh Phúc. (Ảnh minh họa: NTCC)

Trong khi đó, cô Đinh Thu Trang chia sẻ, nhiều năm trực tiếp tham gia thi và làm công tác hỗ trợ giáo viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi, cô nhận thấy để có được một tiết dạy dự thi, giáo viên phải mất rất nhiều thời gian chuẩn bị. Trong khi đó, có những tiết dạy chỉ để đem đi thi, không áp dụng được vào công tác dạy và học tại nhà trường.

Từ thực tế nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, cô Trang nhận thấy tại các trường công lập, một tiết dạy chỉ đủ thời gian để giáo viên truyền đạt kiến thức, chưa xây dựng được sự gắn kết giữa thầy và trò. Trong khi ở một số quốc gia khác, giáo viên cần dành thời gian nghiên cứu tâm lý học sinh, từ đó có phương pháp giảng dạy phù hợp với từng nhóm học sinh cụ thể.

Vì vậy, cô Trang tán thành việc đưa ý kiến của học sinh làm tiêu chí đánh giá giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi. “Các em sẽ đưa ra quan điểm đánh giá về cách dạy học, sự kết nối với học sinh của thầy cô. Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi là hướng thầy cô trở thành những nhà giáo chân chính thay vì chỉ chú trọng vào một tiết dạy cụ thể để đem đi thi”, cô Trang bày tỏ.

Hà Giang (nguồn: GDVVN)

Tham khảo thêm: