Trong môi trường giáo dục hiện nay, một trong những thách thức lớn nhất mà giáo viên phải đối mặt là làm sao để học sinh có thể duy trì sự tập trung và tham gia tích cực của học sinh vào quá trình học tập. Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng thời gian tập trung của học sinh đang giảm dần, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng học mà còn tác động đến cách học sinh tương tác với giáo viên và bạn bè trong lớp
Sự tham gia của học sinh trong lớp học thường được phân thành ba khía cạnh chính: hành vi, nhận thức, và cảm xúc. Việc kết hợp khéo léo những khía cạnh này không chỉ giúp bạn khắc phục giới hạn về thời gian tập trung, mà còn thúc đẩy học sinh tham gia học tập một cách toàn diện và hiệu quả hơn trong bài giảng của bạn. Trong bài viết này, cẩm nang dạy học sẽ chia sẻ những chiến lược giáo dục giúp thúc đẩy sự tham gia đa chiều, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy dựa trên kinh nghiệm nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục.
Ba khía cạnh chính của sự tham gia học tập
1. Sự tham gia về hành vi
Sự tham gia về hành vi được thể hiện qua việc học sinh tuân theo các hướng dẫn của giáo viên, như làm bài tập, chú ý lắng nghe trong giờ học và tương tác với bạn bè. Đây là nền tảng cơ bản, giúp thiết lập kỷ luật và sự nghiêm túc trong lớp học.
2. Sự tham gia về nhận thức
Sự tham gia nhận thức phản ánh mức độ tham gia của học sinh vào quá trình học tập và khả năng sẵn sàng đối mặt với thử thách. Học sinh tích cực tìm kiếm kiến thức mới, phân tích và giải quyết vấn đề một cách chủ động. Đây là yếu tố then chốt giúp thúc đẩy tư duy sáng tạo và phát triển kỹ năng học tập lâu dài cho học sinh
3. Sự tham gia về cảm xúc
Sự tham gia cảm xúc liên quan đến thái độ tích cực của học sinh đối với môn học, sự gắn kết với bạn bè và giáo viên, cũng như cảm giác hứng thú với các hoạt động trong lớp. Khi học sinh có cảm xúc tích cực, chúng sẽ tham gia học tập một cách hiệu quả và duy trì sự tham gia liên tục một cách dễ dàng hơn.
Cách kết hợp các yếu tố tham gia vào lớp học
Để tối đa hóa sự tham gia của học sinh, các chuyên gia giáo dục khuyến nghị giáo viên nên kết hợp đa dạng các chiến lược trong khoảng thời gian ngắn, từ 3-6 phút. Điều này có thể bao gồm sự chuyển đổi linh hoạt giữa giảng dạy trực tiếp và làm việc nhóm, đồng thời xen kẽ các nhiệm vụ có mức độ thách thức khác nhau. Sự thay đổi liên tục này không chỉ giúp duy trì sự tập trung mà còn kích thích khả năng tiếp thu thông tin mới.
Một số chiến lược cụ thể
1. Chiến lược Quick Wins
Bắt đầu bài học bằng hướng dẫn ngắn gọn, rõ ràng và thực hành có hướng dẫn trước khi chuyển sang các hoạt động nhóm lớn hơn. Điều này giúp đảm bảo học sinh nắm bắt được các khái niệm chính từ đầu, áp dụng phương pháp “chúng ta cùng làm”, trong đó giáo viên hướng dẫn và đặt câu hỏi. Ví dụ, trong bài học về phân số, giáo viên có thể chia nhỏ bài giảng thành nhiều phần, bắt đầu bằng cách so sánh các phân số có cùng mẫu số, sau đó yêu cầu học sinh tự thực hành theo từng bước nhỏ.
2. Tích hợp học tập cảm xúc và xã hội (SEL)
Thay vì dạy tách biệt các kỹ năng xã hội và cảm xúc, giáo viên nên tích hợp các kỹ năng điều hành như quản lý thời gian, chú ý và tự điều chỉnh vào bài học. Ví dụ, sau khi học về phân số trong môn toán, học sinh có thể tự đánh giá: “Tôi đã học gì về phân số? Tôi cảm thấy tự tin đến mức nào khi giải thích về các khái niệm liên quan đến phân số…?”.
3. Hợp tác nhóm ngắn hạn
Hãy bắt đầu với những hoạt động nhóm ngắn, chỉ từ 1-4 phút, sau đó kéo dài thời gian khi học sinh đã xây dựng đủ sự tự tin và hiểu sâu hơn về nội dung. Ví dụ, sau khi học về các nhân vật trong phong trào Bình dân học vụ năm 1945 trong môn lịch sử, học sinh có thể làm việc theo cặp, thảo luận về khái niệm công bằng và so sánh với các sự kiện lịch sử.
Hoạt động thử thách thấp nhưng thu hút cao
Để giúp học sinh duy trì sự tham gia và khôi phục năng lượng học tập, giáo viên có thể đưa vào các hoạt động thử thách ở mức thấp nhưng có tính tương tác cao như:
- Tạo câu hỏi: Học sinh tạo câu hỏi cho các em học sinh nhỏ tuổi hơn, dựa trên bài học. Việc này không chỉ củng cố kiến thức mà còn giúp học sinh phát triển khả năng tư duy logic.
- Trò chơi câu đố: Tạo không khí vui nhộn và cạnh tranh bằng các câu đố liên quan đến bài học. Giáo viên có thể sử dụng những câu hỏi kết hợp giữa kiến thức và yếu tố giải trí để thu hút học sinh.
- Hai sự thật, một lời nói dối: Học sinh viết ra hai sự thật và một lời nói dối về một chủ đề trong bài học, sau đó các nhóm khác sẽ phải đoán lời nói dối là gì.
- Trò chơi ABC: Bắt đầu với một từ vựng trong bài học, học sinh sẽ lần lượt tìm từ liên quan bắt đầu bằng chữ cái cuối của từ trước đó. Điều này giúp học sinh ôn lại từ vựng một cách nhanh chóng và thú vị.
Các chiến lược tăng cường sự tham gia nhận thức, cảm xúc và hành vi đã được các nghiên cứu chứng minh là hiệu quả trong việc cải thiện chất lượng học tập và sự tham gia của học sinh. Bằng cách kết hợp các phương pháp này, giáo viên có thể giúp học sinh duy trì sự tập trung và tiếp thu kiến thức một cách sâu sắc và hiệu quả.
Tham khảo thêm: