Nền giáo dục hiện nay đã và đang chuyển từ dạy học cung cấp kiến thức sang dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh. Tuy nhiên chúng ta mới chỉ đang áp dụng một vài thành tố của dạy học phát triển năng lực như sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, và áp dụng một số hình thức tổ chức dạy học. Trong khi đó, mục tiêu, nội dung chương trình, sách giáo khoa, môi trường dạy học, phương thức đánh giá… trong dạy học phổ thông ở nước ta vẫn là của mô hình dạy học tiếp cận nội dung.
Trong bài viết này chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ và thảo luận thêm về dạy học tiếp cận nội dung và dạy học định hướng phát triển năng lực; và cùng nhau làm rõ những yêu cầu cần thiết của một giáo án năng lực (giáo án theo định hướng năng lực) nhé.
Giáo án nội dung và giáo án năng lực
Giáo án là kịch bản lên lớp của mỗi giáo viên với một đối tượng học sinh cụ thể và một nội dung cụ thể trong một không gian và thời gian cụ thể…Chúng ta thường nói “dạy học cũng là một nghệ thuật”, viì thế giáo án là một phần của tác phẩm của mỗi cá nhân giáo viên. Không có và không nên yêu cầu có một giáo án mẫu, chung cho tất cả mọi giáo viên; chỉ cần thống nhất một số yêu cầu cốt lõi cần có, còn trình bày giáo án như thế nào tùy mỗi người.
Giáo án dạy học theo định hướng phát triển năng lực (gọi tắt là giáo án năng lực) đương nhiên khác với giáo án dạy học theo định hướng nội dung (gọi tắt là: giáo án nội dung).
Giáo án nội dung là giáo án nêu lên các nội dung bài dạy mà giáo viên cần truyền thụ cho học sinh. Học sinh tiếp nhận nội dung bài học một chiều, ít tương tác. Tức là trả lời câu hỏi: bài học gồm những nội dung gì? (dạy cái gì?). | Giáo án năng lực là giáo án nêu lên các hoạt động (công việc) mà giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện để tìm tòi khám phá nội dung mới, qua đó hình thành kỹ năng và năng lực. Tức là trả lời cho câu hỏi: dạy như thế nào, thông qua các hoạt động gì, dạy làm cái gì? |
Giáo án nội dung tập trung vào mục tiêu trang bị những kiến thức, hiểu biết của Giáo viên về một nội dung nào đó cho học sinh; học sinh tiếp thu những kiến thức mà giáo viên cung cấp một chiều và có phần mang tính áp đặt, do đó hạn chế về khả năng học và tự học của học sinh. | Giáo án năng lực tập trung vào mục tiêu hình thành và phát triển năng lực, học sinh thực hiện các hoạt động để tự tìm ra kiến thức, hiểu biết phù hợp với mình và qua đó biết cách học và biết tự học thậm trí là biết cách làm |
Giáo án nội dung giúp học sinh biết nhiều nhưng vận dụng được ít, làm và thực hiện rất lúng túng trong tình huống tương tự, nhất là ngữ cảnh và vật liệu mới. | Giáo án năng lực giúp học sinh biết có thể không nhiều nhưng vận dụng được, làm và thực hiện được trong tình huống tương tự, nhất là ngữ cảnh và vật liệu mới. |
Các yêu cầu thiết yếu của một giáo án năng lực
Không có giáo án chung nhưng khi soạn bài cần phải đáp ứng một số yêu cầu cốt lõi (bắt buộc). Giáo viên cần có quan niệm về giáo án năng lực một cách linh hoạt, vừa chú ý những yêu cầu cốt lõi vừa dành khoảng trống cho sự sáng tạo, khác biệt của mỗi giáo viên.
Yêu cầu cốt lõi (cần có) của giáo án năng lực gồm những điểm sau đây:
a) Mục tiêu bài học cần hướng tới việc hình thành và phát triển năng lực, nhất là năng lực đặc thù của môn học. Cụ thể là mỗi bài học cần xác định mục tiêu phát triển năng lực cụ thể như thế nào? Vì thế cần chú ý yêu cầu cần đạt về các năng lực này đã nêu trong chương trình mỗi lớp. Các năng lực lớn phải qua nhiều bài học mới hình thành được, nhưng mỗi bài học phải hướng tới các biểu hiện cụ thể của năng lực đó và gắn với nội dung bài học cụ thể của giờ học đó. Chú ý xác định mục tiêu phù hợp với đối tượng, tránh ôm đồm nội dung và yêu cầu quá sức (độ khó phải phù hợp với độ tuổi).
b) Tiến trình giờ học phải thông qua các hoạt động và bằng các hoạt động học tập là chính; trong đó học sinh phải chủ động tham gia hoạt động: tìm tòi, khám phá, phát hiện, nêu vấn đề, trao đổi, phản biện, chứng minh, phân tích…. rút ra nhận xét, kết luận của mình; giáo viên là người giao nhiệm vụ, định hướng, hướng dẫn và gợi mở, nêu ý kiến của mình khi cần thiết (đúng lúc, đúng chỗ). Giáo viên không làm thay, học thay cho học sinh; hạn chế diễn giảng, tránh áp đặt ý kiến của mình, tôn trọng ý kiến của học sinh…
Các hoạt động học tập phải bám sát và tập trung thực hiện mục tiêu đã đề ra ở đầu bài học. Mỗi mục tiêu có thể tổ chức một hoặc nhiều hoạt động để đạt được mục tiêu đó. Nhưng không nên tổ chức quá nhiều hoạt động trong một giờ học như thế sẽ làm phân tán nội dung và định hướng của bài học. Muốn thế thầy cô cần phải xác định được trọng tâm và bề rộng của bài học. Việc xác định trọng tâm phụ thuộc vào trình độ của giáo viên dựa trên mục tiêu, yêu cầu của bài học và đối tượng học sinh…
c) Chú ý yêu cầu tích hợp và phân hóa, trước hết là tập vào việc tích hợp các nội dung phù hợp với bài học nhằm phát triển năng lực, việc này đòi hỏi phải giáo viên cần phải có năng lực để gắn kết các nội dung mình đang muốn tích hợp trong bài giảng…
Yêu cầu phân hóa đòi hỏi giờ học cần có các nhiệm vụ, nội dung, cách thức tổ chức học tập phù hợp cho các đối tượng học sinh khác nhau: yếu kém, trung bình và khá giỏi.Giáo viên muốn thực hiện được cần chú ý đến tâm lí lứa tuổi, trình độ nhận thức, hoàn cảnh cá nhân, khai thác vốn hiểu biết và sự trải nghiệm (kiến thức nền) của học sinh.
Trên đây là những yêu cầu cốt lõi cần có với giáo án năng lực (dạy học theo hướng phát triển năng lực). Tất cả các yêu cầu khác như các bước lên lớp, mở đầu và kết thúc, sử dụng thiết bị dạy học, hình thức dạy học, phương pháp và kĩ thuật dạy học… đều khuyến khích giáo viên tự chủ, sáng tạo và không cần phải giống nhau. Từ các điểm trên giao viên vận dụng vào các bài học một cách linh hoạt phù hợp với đặc trưng môn học và đặc trưng của đối tượng học sinh mà mình giảng dạy.
Tham khảo thêm: Nghệ thuật giúp học sinh tư duy nhiều hơn trong giờ học