Những phương pháp dạy học tích cực môn ngữ văn

Vận dụng phương pháp dạy học tích cực môn ngữ văn như thế nào để mang lại hiệu quả là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Bởi các tác phẩm văn học thường chứa đựng giá trị đa nghĩa, trong khi đó người học lại tiếp nhận theo tính chủ quan. Làm thế nào để giúp học sinh tiếp cận, cảm nhận và hiểu sâu sắc về tác phẩm cũng như phát huy được năng lực, sự sáng tạo của mình, hãy cùng Cẩm nang dạy học tìm hiểu nhé.

Hướng dẫn dạy học ngữ văn tích cực để mang lại hiệu quả cao trong công tác dạy – học

1. Thực trạng dạy học môn ngữ văn

Nếu muốn vận dụng phương pháp dạy học tích cực môn ngữ văn, phải nắm được thực trạng của việc dạy học môn ngữ văn tại các trường hiện nay. Có thể nói việc dạy văn của học sinh hiện nay gắn liền với những vấn đề sau đây:

  • Dạy văn theo kiểu đọc chép: Giáo viên đọc, học sinh chép hoặc giáo viên giảng và ghi trên bảng, học sinh chép theo. Kiểu dạy này làm cho học sinh tiếp thu kiến thức ngữ văn một cách thụ động, không tạo được sự hứng thú trong mỗi tiết học.
  • Dạy nhồi nhét: Giáo viên dạy toàn bộ nội dung, không có chọn lọc về vấn đề trung tâm, không nêu ra vấn đề cho học sinh trao đổi vì sợ không kịp chương trình, sợ không giảng dạy hết nội dung cho học sinh, ảnh hưởng đến việc thi cử.
  • Dạy ngữ văn như một nhà nghiên cứu văn học: Giáo viên dạy ngữ văn theo cách của một nhà nghiên cứu văn học, chú trọng vào việc phân tích tâm lý, kỹ thuật sử dụng ngôn từ hay phương pháp sáng tác… Trong khi đó, học sinh chỉ cần đọc hiểu tác phẩm dưới vai trò của một độc giả bình thường, hiểu rõ được ý nghĩa, tư tưởng của tác phẩm.

Giáo viên dạy ngữ văn như một nhà nghiên cứu trong khi điều học sinh cần là đọc và hiểu tác phẩm

  • Học sinh tiếp thu kiến thức thụ động, thiếu sự sáng tạo: Học sinh tiếp thu kiến thức một cách thụ động, thiếu hứng thú, chỉ học theo hình thức đọc thuộc để đối phó nên không phát huy được tính sáng tạo cũng như chủ động trong việc tìm tòi, khám phá kiến thức.
  • Học sinh không hình thành thói quen tự học: Học sinh không chủ động tìm kiếm kiến thức trong sách giáo khoa, không nắm được đâu là kiến thức trọng tâm, không phân biệt được đâu là vấn đề chính và phụ, không phát triển từ cái đã biết để tìm ra câu trả lời cho cái chưa biết.
  • Thiếu sự tương tác giữa giáo viên – học sinh, học sinh – học sinh: Trong quá trình giảng dạy và học tập, giáo viên chỉ quan tâm đến việc dạy, học sinh lại quan tâm đến việc ghi chép bài nên thiếu đi sự tương tác lẫn nhau. Nếu tăng cường được sự tương tác có thể nhắc nhở, bổ sung kiến thức cho nhau, từ đó làm cho kiến thức trở nên toàn vẹn hơn.
  • Thiếu sự hứng thú và đam mê với việc học: Học sinh không có hứng thú, niềm đam mê với tiết học ngữ văn, dẫn đến việc học tập không hiệu quả.

Học sinh không có hứng thú, niềm đam mê với việc học

2. Nguyên nhân thực trạng

2.1 Nguyên nhân từ xã hội

  • Vẫn còn tồn tại các quan niệm lạc hậu và sai lầm về việc dạy học nói chung và dạy học ngữ văn nói riêng.
  • Lý luận dạy học ngữ văn chưa có sự đổi mới.

2.2 Nguyên nhân từ giáo viên

  • Không xem học sinh là chủ thể của hoạt động học ngữ văn, không trao cho học sinh quyền chủ động trong học tập.
  • Chấm bài qua loa, chú trọng về điểm. Không chữa bài, không hướng dẫn học sinh để tự sửa bài.

2.3 Nguyên nhân từ phương pháp dạy

  • Dạy học theo phương pháp cũ, chủ yếu là diễn giảng, bình và giảng.
  • Chú trọng về dạy lý thuyết, ít tiết thực hành và không trau dồi khả năng cảm nhận văn học cho học sinh
  • Dạy học theo kiểu áp đặt, buộc học sinh phải học thuộc kiến thức mà giáo viên truyền dạy.
  • Chưa xem việc dạy học tác phẩm văn học chính là dạy học đọc văn.
  • Dạy văn nghị luận theo phương pháp làm văn theo các đề có sẵn và đề văn mẫu.
  • Chưa có khái niệm về việc đọc nên không đưa ra được biện pháp dạy đọc văn hoàn chỉnh và hiệu quả nhất.

Chú trọng vào việc dạy lý thuyết, ít tiết thực hành

3. Phương pháp dạy học tích cực trong môn văn là gì?

Phương pháp dạy học tích cực môn ngữ văn là phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên chịu trách nhiệm nêu vấn đề và gợi mở theo nhiều cách khác nhau nhằm tăng sự hứng thú, tính tự giác của học sinh. Học sinh sẽ trực tiếp tìm tòi, nghiên cứu, trình bày và đưa ra các cách giải quyết để đi đến kết luận cụ thể cho vấn đề đó.

Việc sử dụng phương pháp tích cực có tác dụng lớn trong việc tăng cường sự tương tác, thực hành của học sinh ở trong mỗi tiết học. Đặc biệt, giúp học sinh nhớ lâu và sâu các kiến thức thông qua hoạt động tự tư duy, tìm tòi, khám phá. Giáo viên sẽ sử dụng nhiều cách để gợi mở về vấn đề thông qua các hoạt động tương tác, câu hỏi vấn đáp, thảo luận nhóm…

4. Hướng dẫn vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực trong môn ngữ văn

4.1 Vận dụng phương pháp dạy học tích cực

Bên cạnh sử dụng phương pháp dạy học mang tính đặc trưng của bộ môn ngữ văn, giáo viên cũng nên vận dụng các phương pháp dạy học tích cực để phát triển tư duy, tăng sự hứng thú trong mỗi tiết học.

4.1.1 Phương pháp thảo luận nhóm

Trong số các phương pháp dạy học tích cực môn ngữ văn, phương pháp thảo luận nhóm thường được giáo viên sử dụng, bởi nó tạo ra sự sôi nổi trong tiết học và giúp các em học sinh có được khả năng tư duy, tính tự giác, trách nhiệm và năng lực giao tiếp.

Thảo luận nhóm làm tăng khả năng tư duy, tính tự giác của học sinh

Phương pháp thảo luận nhóm đặc biệt mang lại hiệu quả trong các tiết thực hành, làm bài tập ngữ văn. Để thực hiện, giáo viên cần chia lớp thành các nhóm nhỏ, đưa ra vấn đề, quy định thời gian để các nhóm thảo luận và trình bày kết quả của nhóm trước lớp.

Cách thực hiện:

Bước 1: Chuẩn bị

  • Chủ đề.
  • Nội dung.
  • Phương tiện hỗ trợ.

Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ

  • Chia lớp thành từng nhóm.
  • Bầu nhóm trưởng.
  • Giáo viên quan sát, kiểm tra và hướng dẫn nếu cần thiết.
  • Yêu cầu tất cả các thành viên phải tích cực tham gia thảo luận.

Bước 3: Trình bày kết quả

  • Cử thành viên trong nhóm trình bày kết quả trước lớp.
  • Các nhóm còn lại đánh giá, bổ sung ý kiến.
  • Giáo viên tổng kết, đánh giá và đưa ra kết luận.

4.1.2 Phương pháp đóng vai

Đóng vai là phương pháp dạy học mà ở đó giáo viên sẽ cho học sinh thực hành về cách ứng xử xảy ra trong một tình huống nào đó. Với phương pháp này, học sinh sẽ có những suy nghĩ sâu sắc khi tập trung vào một vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, phần trọng tâm của phương pháp đóng vai nằm ở quá trình thảo luận sau phần diễn đóng vai.

dạy học môn ngữ văn

Phương pháp đóng vai giúp học sinh suy nghĩ sâu sắc về vấn đề đưa ra

Cách thực hiện:

  • Bước 1: Giáo viên đưa chủ đề, chia lớp thành từng nhóm và giao tình huống cho các nhóm. Đồng thời quy định rõ về thời gian thảo luận, thời gian đóng vai.
  • Bước 2: Các nhóm phân chia vai diễn, thảo luận đóng vai.
  • Bước 3: Các nhóm lần lượt thực hành đóng vai.
  • Bước 4: Các thành viên còn lại trong lớp nhận xét, đánh giá về cảm xúc, cách ứng xử của nhân vật đóng vai.
  • Bước 5: Giáo viên đánh giá, kết luận và định hướng về cách ứng xử phù hợp nhất.

4.1.3 Phương pháp tình huống có vấn đề

Đây là phương pháp dạy học tích cực môn ngữ văn giúp hình thành được khả năng tư duy, giải quyết vấn đề cho các em học sinh. Bởi giáo viên sẽ đưa ra các vấn đề có liên quan đến nội dung của bài học, còn học sinh sẽ phải phát hiện ra vấn đề, từ đó đưa ra các đề xuất và lập nên kế hoạch để giải quyết vấn đề đó.

Trong trường hợp, nội dung bài giảng có nhiều vấn đề cần giải quyết, giáo viên có thể chia lớp thành các nhóm nhỏ. Và mỗi một nhóm sẽ chịu trách nhiệm giải quyết một vấn đề. Cuối cùng là cả lớp sẽ cùng thảo luận và giáo viên sẽ tổng hợp đánh giá để đưa ra kết quả phù hợp nhất.

dạy học môn ngữ văn

Giáo viên đưa ra vấn đề và học sinh sẽ phát hiện và giải quyết vấn đề

4.1.4 Phương pháp kích thích tư duy

Là phương pháp giúp tăng được sự chú ý, khả năng tìm tòi, khám phá, phát triển tư duy, đánh giá cho học sinh. Đặc biệt hiện nay rất được nhiều giáo viên áp dụng vào dạy học tích cực.

Cách thực hiện:

  • Giáo viên đặt câu hỏi.
  • Học sinh tư duy để nắm bắt được nội dung câu hỏi và tìm tòi, khám phá về câu trả lời.
  • Học sinh trả lời câu hỏi trước toàn lớp.
  • Các học sinh còn lại so sánh câu trả lời của mình với câu trả lời của bạn.
  • Giáo viên nhận xét, đánh giá về câu trả lời.

4.2 Vận dụng kỹ thuật dạy học tích cực

4.2.1 Kỹ thuật khăn trải bàn

Hình thức thực hiện:

  • Trên tờ giấy A3, phần chính giữa sẽ ghi chủ đề thảo luận, phần còn lại sẽ được chia thành 4 hoặc 6 phần căn cứ vào số thành viên có trong nhóm.
  • Các thành viên sẽ lần lượt ghi câu trả lời của mình vào trong phần được chia, thời gian ghi câu trả lời từ 3 – 5 phút.
  • Sau đó cử thành viên đại diện dán tờ giấy A3 trên bảng và thuyết trình.
  • Các thành viên còn lại trong lớp sẽ lắng nghe, đưa ra đánh giá, bổ sung thêm ý kiến nếu có.
  • Giáo viên sẽ đưa ra nhận xét và bổ sung thêm ý kiến. Đồng thời có định hướng cần thiết nếu học sinh đi lệch hướng.
dạy học môn ngữ văn

Kỹ thuật khăn trải bàn phân chia vai trò thành viên trong nhóm để giải quyết vấn đề

4.2.2 Kỹ thuật hỏi và và trả lời

Trong phương pháp dạy học tích cực môn ngữ văn, đây là kỹ thuật dạy học giúp học sinh củng cố và nhớ sâu các kiến thức đã được học thông qua kỹ năng đặt câu hỏi và trả lời các câu hỏi.

Cách tiến hành:

  • Giáo viên đưa ra chủ đề.
  • Giáo viên/ học sinh sẽ là người đặt câu hỏi có liên quan đến chủ đề đưa ra và yêu cầu học sinh nào đó trả lời câu hỏi.
  • Bạn học sinh sau khi trả lời xong sẽ có quyền đặt câu hỏi cho một bạn học sinh khác trả lời. Quá trình này cứ tiếp tục cho đến khi giáo viên yêu cầu dừng lại.

4.2.3 Kỹ thuật trình bày 1 phút

Với kỹ thuật này học sinh sẽ có cơ hội để tổng kết lại toàn bộ kiến thức đã được học. Đồng thời đưa ra các câu hỏi về những vấn đề vẫn còn băn khoăn,vẫn còn chưa hiểu thông qua bài trình bày ngắn gọn ở trên lớp. Qua kỹ thuật này, giáo viên có thể nắm được khả năng hiểu bài của học sinh đến đâu.

Cách thực hiện:

  • Vào cuối hoặc giữa buổi học, giáo viên sẽ đặt ra các câu hỏi như: Vấn đề nào là quan trọng nhất mà các em đã được học trong bài học ngày hôm nay? Có vấn đề gì quan trọng mà các em chưa hiểu, cần được giải đáp?…
  • Học sinh suy nghĩ và viết các câu trả lời ra giấy. Câu trả lời có thể được thể hiện dưới hình thức khác nhau.
  • Lần lượt các em học sinh trình bày trước lớp về điều được học và điều còn thắc mắc.
dạy học môn ngữ văn

Trong kỹ thuật trình bày 1 phút, học sinh sẽ trình bày về nội dung bài học và những vấn đề bản thân chưa rõ

4.3 Lồng ghép trò chơi

Lồng ghép trò chơi trong dạy ngữ văn được áp dụng cho môn tiếng việt, đọc văn và làm văn. Bằng cách lồng ghép trò chơi sẽ giúp tăng sự hứng thú cho các tiết học và tính chủ động, tích cực tiếp nhận kiến thức của học sinh.

Trò chơi sẽ đại diện cho một đơn vị kiến thức trong tiết học, giáo viên sử dụng trò chơi để triển khai các bước của một bài giảng. Nếu là tiết ôn tập hoặc tiết khái quát, giáo viên có thể cho cả lớp chơi một trò chơi lớn. Có rất nhiều trò chơi có thể áp dụng trong dạy ngữ văn như trò chơi ô chữ, trò chơi hùng biện, trò chơi ai nhanh tay, nhanh trí….

Vận dụng phương pháp dạy học tích cực môn ngữ văn vào công tác giảng dạy tại các trường hiện nay có ý nghĩa rất lớn. Bởi nó không chỉ tăng được sự hứng thú, niềm đam mê của học sinh mà còn giúp các em phát triển năng lực, khả năng tư duy và sáng tạo.

Mong rằng với các phương pháp dạy tích cực ở bộ môn ngữ văn mà Cẩm nang dạy học chia sẻ, sẽ là người bạn đồng hành tin cậy cho giáo viên để giúp nâng cao hiệu quả học ngữ văn cho các em học sinh tại các cấp học.

Tham khảo thêm: 6 bước đơn giản để bắt đầu lớp học đảo ngược

Cẩm nang dạy học