Một bài sáng kiến kinh nghiệm đạt chất lượng đòi hỏi tất cả các yếu tố cả về hình thức, nội dung, quy trình, tiêu chuẩn… đều phải “đạt chuẩn”. Nhưng đạt chuẩn là như thế nào? Đây chắc chắn là vấn đề mà nhiều giáo viên gặp phải, đặc biệt là những giáo viên trẻ, kinh nghiệm còn hạn chế. Trong bài viết này, cẩm nang dạy học sẽ hướng dẫn viết sáng kiến kinh nghiệm chi tiết từ A – Z tất cả những việc cần phải làm, những nội dung cần triển khai trong bài sáng kiến và mẫu sáng kiến kinh nghiệm chuẩn phục vụ cho nhu cầu tham khảo.
Thế nào là một sáng kiến kinh nghiệm chất lượng?
Trước khi đi vào hướng dẫn viết sáng kiến kinh nghiệm chi tiết, chúng ta sẽ điểm qua những tiêu chuẩn của một sáng kiến kinh nghiệm “chất lượng”. Một bài sáng kiến kinh nghiệm được đánh giá cao sẽ cần phải thỏa mãn 3 tiêu chuẩn cơ bản bao gồm: Tính mới và sáng tạo; Tính thực tiễn và khả năng áp dụng, nhân rộng; Tính hiệu quả. Cụ thể:
- Tính mới và sáng tạo: Tính mới của sáng kiến kinh nghiệm thể hiện ở nội dung phải là độc nhất, có nghĩa là chưa từng được công khai dưới mọi hình thức, không trùng lặp nội dung với những sáng kiến kinh nghiệm trước đó mà không có sự cải tiến, đổi mới. Tính sáng tạo khoa học được thể hiện ở cả nội dung và hình thức trình bày. Tác giả cần đảm bảo bài báo cáo của mình phải thể hiện được cơ sở lý luận, cơ sở thực tế, cơ sở dữ liệu, phương pháp tiến hành mới mẻ, độc đáo… Để làm nổi bật được hiệu quả và tác dụng của việc áp dụng sáng kiến kinh nghiệm.
- Tính thực tiễn và khả năng áp dụng, nhân rộng: Tác giả phải đưa ra những dẫn chứng, những số liệu thực tiễn về kết quả, hiệu quả so sánh giữa cách làm mới và cách làm cũ. Đồng thời phân tích triển vọng về khả năng áp dụng và nhân rộng: Dễ chế tạo, dễ áp dụng, dễ phổ biến, có thể ứng dụng đại trà trong đơn vị, trong toàn ngành giáo dục… đạt kết quả cao.
- Tính hiệu quả: nếu được áp dụng, sáng kiến kinh nghiệm sẽ đem lại hiệu quả cao nhất, tiết kiệm nhất về công sức và thời gian trong công tác dạy học, quản lý, hiệu quả trong việc tiếp nhận tri thức, phát triển tư duy, hình thành kỹ năng của học sinh… Lưu ý: Hãy sử dụng bằng chứng, số liệu hiệu quả từ thực tế thực hiện của tác giả để nâng cao tính thuyết phục cho đề tài.
Hình thức trình bày sáng kiến kinh nghiệm
- Ngôn ngữ sử dụng viết sáng kiến kinh nghiệm phải được diễn đạt chính xác, ngắn gọn, súc tích và khoa học. Tránh dài dòng, lan man.
- Các nội dung, kiến thức phải được hệ thống hóa, rõ ràng, mạch lạc.
- Tài liệu tham khảo, trích dẫn phải được ghi nguồn cụ thể.
- Sáng kiến kinh nghiệm được đánh máy trên giấy khổ A4 (21,0 x 29,7cm); Kiểu chữ Time New Roman; Phông Unicode; Cỡ chữ 13; Lề trái 3cm, lề phải 2cm, lề trên 2cm, lề dưới 2cm.
- Số trang đánh ở góc dưới bên phải mỗi trang bắt đầu từ phần nội dung sáng kiến kinh nghiệm.
Bố cục bài sáng kiến kinh nghiệm chuẩn
- Trang bìa
- Trang phụ bìa
- Mục lục
- Danh mục chữ viết tắt
- Phần Nội dung: (Đây là phần nội dung chính và quan trọng nhất của sáng kiến kinh nghiệm, được chia thành nhiều tiểu mục).
- Tài liệu tham khảo
- Phụ lục (nếu có)
Hướng dẫn cách viết sáng kiến kinh nghiệm năm học 2020 – 2021
Trong phần nội dung, cấu trúc chung sẽ được chia thành các mục sau:
1. Đặt vấn đề (Hoặc Lý do chọn đề tài)
Trong phần này, tác giả tập trung trả lời thuyết phục câu hỏi Tại sao lại chọn đề tài này? Được xuất phát từ yêu cầu thực tế nào? dựa trên các yếu tố: Lý luận, thực trạng, tính thời sự, tính cấp thiết, tính mới của sáng kiến kinh nghiệm… Cụ thể:
- Nêu vấn đề (hiện tượng) được chọn làm đề tài sáng kiến kinh nghiệm mà tác giả đã gặp phải trong thực tiễn công tác giảng dạy, quản lý, giáo dục.
- Tác giả cần nêu rõ bối cảnh (những mâu thuẫn, bất hợp lý, những điều cần cải tiến sửa đổi giữa thực trạng và những yêu cầu mới) dẫn đến sự cần thiết của việc tiến hành đúc kết sáng kiến kinh nghiệm.
- Khẳng định lại lý do và tính cấp thiết của đề tài đối với ngành giáo dục và đào tạo (Vấn đề được giải quyết có phải là vấn đề cần thiết của ngành giáo dục và đào tạo hay không?).
2. Giải quyết vấn đề
Trong sáng kiến kinh nghiệm, giải quyết vấn đề chính là nội dung trọng tâm nhất. Để khai triển nội dung được chi tiết và có chiều sâu nhất định. Thông thường, giải quyết vấn đề sẽ được chia thành 4 mục chính:
2.1. Những vấn đề lý luận chung
Mục đích chính của cơ sở lý luận là giúp tác giả định hướng cho việc nghiên cứu, tìm kiếm những biện pháp, giải pháp tối ưu nhất cho những khó khăn, mâu thuẫn đã được đề cập ở mục đặt vấn đề bằng việc tóm tắt những lý luận, lý thuyết đã được tổng kết, bao gồm những khái niệm, những kiến thức cơ bản về vấn đề được chọn.
2.2. Thực trạng của vấn đề
Thực trạng chính là tình hình của vấn đề, đề tài nghiên cứu trước khi có sự tham gia của giải pháp, sáng kiến mới. Tác giả cần chỉ ra những thuận lợi, khó khăn mà tác giả đã gặp phải từ vấn đề, nguyên nhân dẫn đến tình hình đó.
2.3. Các biện pháp tiến hành để giải quyết vấn đề
Trình bày trình tự những biện pháp, các bước cụ thể đã tiến hành để giải quyết vấn đề, trong đó có nhận xét về vai trò, tác dụng, hiệu quả của từng biện pháp hoặc từng bước đó.
2.4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm
Thông thường, người viết sẽ sử dụng bảng biểu để tổng hợp kết quả, hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm trên thực tế. Trong phần này cần thể hiện được:
- Sáng kiến kinh nghiệm đã được ứng dụng ở đâu (lớp nào? khối nào? trường nào?) và đối tượng cụ thể là ai?
- Đối chiếu so sánh hiệu quả giữa cách làm cũ và phương pháp mới => Kết quả cụ thể khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm.
3. Kết luận
- Kết luận, đánh giá (tóm lược) các giải pháp đã thực hiện.
- Nhận định chung của tác giả về việc áp dụng và khả năng nhân rộng, phát triển của sáng kiến kinh nghiệm.
- Rút ra bài học kinh nghiệm từ quá trình áp dụng sáng kiến kinh nghiệm.
- Ý kiến / Đề xuất với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT, Lãnh đạo trường…
Một số lưu ý viết sáng kiến kinh nghiệm hiệu quả
- Ý tưởng đề tài sáng kiến kinh nghiệm: Sáng kiến kinh nghiệm rất đa dạng, phong phú. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân và thực tiễn công tác, giáo viên có thể lựa chọn đề tài theo lĩnh vực. Chẳng hạn như: Kinh nghiệm trong giảng dạy; Kinh nghiệm trong quản lý, giáo dục học sinh; Kinh nghiệm giải quyết những vấn đề khó khăn trong công tác Đoàn, Đội; Kinh nghiệm bồi dưỡng, phụ đạo học sinh; Kinh nghiệm tổ chức hoạt động cụ thể nào đó…
- Công thức đặt tên đề tài: Việc xác định chính xác tên đề tài có tác dụng giúp người viết đi đúng hướng, tập trung nghiên cứu đúng trọng tâm của vấn đề. Tên đề tài chính là một vấn đề, một mâu thuẫn đến từ thực tiễn công tác mà tác giả sẽ đưa ra định hướng giải quyết, làm sáng tỏ. Ngoài ra, tên đề tài cũng cần khái quát được phạm vi, nội dung nghiên cứu cụ thể của đề tài.
- Cách tiến hành viết sáng kiến kinh nghiệm: Để có một bài sáng kiến kinh nghiệm hoàn hảo, bạn nên tuân thủ đúng trình tự 4 bước:
- Bước đầu tiên, viết đề cương sẽ giúp bạn định hướng được nhưng công việc mà bạn sẽ phải làm, những nguồn tài liệu cần thu thập… đề cương càng chi tiết, công việc sau này của bạn càng thuận lợi và dễ dàng bấy nhiêu.
- Bước 2: Tìm kiếm, tổng hợp thông tin. Đọc các tài liệu liên quan đến đề tài, thu thập các số liệu để dẫn chứng và lưu trữ các tư liệu thu thập được theo từng loại.
- Bước 3: Viết bản thảo sáng kiến kinh nghiệm theo khung xương đã chuẩn bị trong phần đề cương và các nguồn thông tin và dựa vào thông tin đã thu thập, tìm hiểu ở bước 2.
- Bước 4: Hoàn thiện sáng kiến kinh nghiệm, in thành tập.
Trên đây là toàn bộ bài hướng dẫn viết sáng kiến kinh nghiệm mới nhất. Mong rằng sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho thầy cô. Chúc thầy cô đạt hiệu quả cao
Tham khảo thêm: Nâng cao chất lượng giảng dạy trong dự thi GV dạy giỏi
Tổng hợp: Lê Thùy Anh