Công nghệ thông tin đã và đang là yếu tố được Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh ứng dụng, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành giáo dục, tạo kết nối hiệu quả giữa học sinh sinh viên và giáo viên. Mời thầy cô cùng cẩm nang dạy học tìm hiểu chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học: tác động, cách ứng dụng, thực trạng và kinh nghiệm triển khai thực tế qua bài viết sau!
1. Tác động của CNTT đối với giáo dục
1.1 Thay đổi mô hình giáo dục
Nền giáo dục Việt Nam trước nay sử dụng mô hình chuyển giao kiến thức theo cách độc thoại giữa giảng viên với sinh viên. Tuy nhiên, khi xã hội thay đổi ngày một nhanh chóng cùng với sự phát triển công nghệ vượt bậc, mô hình này không thể tạo ra giá trị gia tăng. Điều đó cho thấy cách giảng bài truyền thống kém hiệu quả hơn so với các hình thức dạy – học tích cực.
“Giáo dục thông minh” hay “Giáo dục 4.0” được xem là mô hình phù hợp với xu thế phát triển của thời đại hiện nay. Có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 yếu tố quan trọng, đó là nhà trường – nhà quản lý – nhà doanh nghiệp. Theo đó, mô hình này thúc đẩy hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc, mọi nơi, giúp cho người học có thể chủ động quyết định nội dung, phương thức học tập theo nhu cầu của bản thân.
1.2 Thay đổi chất lượng dạy học
Chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học giúp giáo viên trở nên linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy của mình. Thầy cô có thể tương tác với học sinh, sinh viên ở mọi nơi có sự hiện diện của công nghệ thông tin, không cần e ngại khoảng cách, các yếu tố khách quan khác.
Bài giảng được soạn thảo đa dạng với nhiều hình ảnh và gói gọn vào các thiết bị, tránh đi sự cồng kềnh khi phải mang giáo án theo, hoặc khó chỉnh sửa thêm thắt các kiến thức.
Thầy cô có thể lưu trữ bài giảng ở nhiều thiết bị, và dễ dàng chỉnh sửa thông tin
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học còn giúp giáo viên có thể chia sẻ bài giảng với nhiều đồng nghiệp khác trên cả nước, tiếp thu ý kiến đóng góp để nâng cao chất lượng giáo án. Bên cạnh đó, các thầy cô còn được tìm hiểu thêm về những chuyên ngành khác như tin học, và học hỏi kỹ năng sử dụng hình ảnh, âm thanh trong thiết kế bài giảng.
1.3 Thay đổi hình thức dạy học
Chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học phát triển đã mở ra triển vọng lớn trong việc đổi mới các hình thức dạy học. Nếu trước kia giáo viên thường quan tâm nhiều đến khả năng ghi nhớ kiến thức và thực hành kỹ năng vận dụng, thì nay chú trọng đặc biệt đến phát triển năng lực sáng tạo của học viên.
Học sinh, sinh viên phải nỗ lực tìm ra cách thức giải quyết bài tập thông qua việc tự tìm hiểu, học hỏi với máy tính và Internet. Chính điều này đã chuyển đổi từ “lấy giáo viên làm trung tâm” sang “lấy học sinh làm trung tâm”.
Học sinh chủ động tìm hiểu kiến thức qua máy tính dưới sự hỗ trợ của giáo viên
1.4 Thay đổi phương thức quản lý giáo dục
Công nghệ thông tin có sức mạnh thay đổi việc quản lý giáo dục thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng dẫn của BGD và các cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể là tin học hóa quản lý trường học theo hướng ứng dụng các công cụ trực tuyến, công cụ quản lý của cơ quan chủ quản (quản lý giáo viên, học sinh, quản lý thi, xếp thời khóa biểu, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử).
Triển khai đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động đã giúp nâng cao hiệu quả chất lượng của việc trao đổi thông tin hai chiều, giữa đơn vị quản lý và các trường, giữa lãnh đạo nhà trường và giáo viên, học sinh. Điều này ngay lập tức đem đến cách tiếp cận mới trong công tác quản lý giáo dục trường học hiện nay.
2. Một số chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học cụ thể
2.1 Ứng dụng soạn thảo giáo án
PowerPoint cung cấp đầy đủ các công cụ để thầy cô tạo ra những bài thuyết trình thông qua rất nhiều hiệu ứng slide để trình chiếu. Các hiệu ứng chuyển động trong PowerPoint được kết hợp với nhiều nội dung khác nhau để tạo nội dung phong phú cũng như ấn tượng, dễ để học sinh tiếp thu hơn.
Bài giảng điện tử giúp tăng sự hứng thú của học sinh trong tiết học
Ngoài ra, tùy theo đặc thù môn học giáo viên có thể biết một số phần mềm bổ trợ:
- Các phần mềm hỗ trợ giáo án môn Toán: Mathcad, Sketpad, Latex, MATHEMATICA v3.0 , GeoGebra, AUTO GRAPH,Cabri, MatLAB . . .
- Phần mềm hỗ trợ soạn thảo giáo án môn Lý, Hóa, Sinh: Novoasoft Science Word 6.0, CHEM LAB 2.0, bộ Crocodile …
- Adobe Presenter, Lecture Maker để soạn bài giảng điện tử theo chuẩn E-Learning.
2.2 Ứng dụng trong giảng dạy
Phương tiện dạy học trong chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học có thể kể đến như: Máy chiếu projector, smart board (bảng thông minh), mạng nội bộ, các phần mềm dạy học, các trang web,…
Thầy cô cần sự hỗ trợ từ nhà trường và đội ngũ chuyên công nghệ thông tin để hiểu biết về từng loại thiết bị và ứng dụng trong giảng dạy. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần sự phản hồi tương tác từ HSSV để đảm bảo chọn phương tiện hữu hiệu và phù hợp với bài học nhất. Sự tương tác hai chiều này khiến ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đạt kết quả cao.
2.3 Ứng dụng trong tra cứu dữ liệu
Giáo viên cần bổ sung kho dữ liệu, hiểu biết của chính mình mỗi ngày để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Chỉ cần am hiểu một chút thao tác trên mạng internet, các thầy cô đã có thể khai thác hàng tá kho tàng những kiến thức hữu ích.
Thầy cô có thể dễ dàng tìm kiếm dữ liệu cần thiết trên internet
Một số các công cụ tìm kiếm phổ biến hiện nay là: google, search.netnam, vinaseek, socbay,… Bên cạnh đó, giáo viên cũng nên phát huy, tận dụng nguồn kiến thức từ các loại từ điển chuyên ngành với từng môn học.
2.4 Ứng dụng trong đánh giá công tác dạy và học
Trong công tác giảng dạy không thể thiếu khâu đánh giá kết quả của học sinh để đảm bảo tiêu chuẩn kiến thức cho các em, đồng thời hoàn thành chỉ tiêu mà ngành đưa ra.
Hiện nay, có rất nhiều thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin được sử dụng để kiểm tra năng lực HSSV. Sau khi giáo viên đã phân loại và xếp hạng, nhà trường sẽ dùng kỹ thuật tin học để thông báo kết quả đến học sinh, từ đó đưa ra kinh nghiệm và phương pháp học tập tốt hơn cho các em.
Sinh viên nhận kết quả học tập nhanh chóng nhờ sự hỗ trợ của CNTT
Đối với giáo viên cũng tương tự, nhà trường và các cấp quản lý có thể nắm rõ năng lực của cán bộ nhân viên thông qua các bảng đánh giá điện tử, vừa thuận tiện vừa mang tính bảo mật.
2.5 Ứng dụng trong cách học của học sinh
Như đã từng đề cập, chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học làm thay đổi mô hình giáo dục truyền thống. Do vậy, cách học của HSSV cũng dần đổi mới. Các em được tự do sáng tạo trong quá trình học hơn, so với việc mỗi ngày đều tiếp thu thụ động những kiến thức từ phía thầy cô.
Học sinh sinh viên có thể tìm kiếm hầu như mọi thông tin, trong tất cả các lĩnh vực trong nước và quốc tế, tin tức mới và cả tin tức cũ thông qua internet. Nhờ đó, việc học của các em được chủ động hơn, tăng cường khả năng tự học và giải quyết vấn đề dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Điều này góp phần nâng cao khả năng thực hành sau này của các em.
Sinh viên đại học chủ động nghiên cứu kiến thức trước khi vào lớp học
3. Thực trạng ứng dụng CNTT trong dạy học
Hiện nay, toàn ngành giáo dục đã xác định ứng dụng công nghệ thông tin là 1 trong 9 nhóm nhiệm vụ triển khai trọng tâm, theo Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.
Cụ thể giáo viên toàn ngành được huy động tham gia, đóng góp chia sẻ học liệu vào kho học liệu số toàn ngành; đóng góp hàng nghìn bài giảng điện tử E-Learning có chất lượng; kho luận văn tiến sĩ với gần 7.000 luận văn; ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm với trên 31.000 câu hỏi về đủ mọi môn học và ngành nghề,…
Các thầy cô tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến cho chương trình học đổi mới
Trong giai đoạn chống dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, các trường đã xây dựng kế hoạch học trực tuyến theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục, hướng dẫn thầy cô cài đặt phần mềm, vận động các em học sinh chủ động tham gia học trực tuyến.
Tuy vậy, chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại cần tiếp tục được khắc phục:
- Hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT (như máy tính, camera, máy in,…), đường truyền, dịch vụ Internet cho nhà trường, giáo viên, học sinh – đặc biệt ở các vùng xa, vùng khó khăn – còn thiếu, lạc hậu.
- Còn nhiều hạn chế khi giáo viên tiếp cận với các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy học.
- Thiếu nguồn nhân lực thông thạo về công nghệ thông tin để phổ biến, hướng dẫn trong ngành giáo dục.
4. Kinh nghiệm soạn bài giảng điện tử và ứng dụng CNTT vào bài giảng
4.1 Các bước xây dựng bài giảng điện tử
Các bước xây dựng bài giảng điện tử bằng PowerPoint
- Bước 1: Xác định mục tiêu của bài giảng.
- Bước 2: Xác định kiến thức nào là cơ bản, kiến thức nào là trọng tâm.
- Bước 3: Lựa chọn tư liệu bổ sung (tranh ảnh, video) từ internet.
- Bước 4: Thiết kế kịch bản bài giảng.
- Bước 5: Soạn slide bài giảng: nhập nội dung, đưa tư liệu, định dạng văn bản, tạo hiệu ứng.
- Bước 6: Chạy thử, chỉnh sửa thông tin và hiệu ứng (nếu cần) và hoàn thiện bài giảng.
- Bước 7: Đóng gói bài giảng.
- Bước 8: Viết lời giải thích, cách điều khiển, trình tự điều khiển của slide bài giảng. Giáo viên và học sinh cần chuẩn bị gì trước tiết học.
- Bước 9: Rút kinh nghiệm sau buổi học.
4.2 Kinh nghiệm ứng dụng CNTT vào bài giảng
- Giáo viên không nên lạm dụng công nghệ thông tin quá mức. Cân nhắc lựa chọn bài giảng phù hợp, nhằm phát huy hiệu quả tối đa và đảm bảo mục tiêu bài giảng.
- Không sử dụng quá nhiều hiệu ứng trình chiếu phức tạp trong cùng một slide, vì có thể gây mất tập trung cho học sinh.
- Giáo viên nên chọn hình nền đơn giản, sáng để thể hiện nội dung bài giảng rõ ràng hơn.
- Không nên nhồi nhét quá nhiều chữ vào một slide bài giảng, câu chữ ngắn gọn và tường minh.
- Tránh tình trạng sử dụng quá nhiều video tư liệu vào bài giảng.
- Nên kết hợp cả hai phương thức: trình chiếu và ghi bảng, để giúp học sinh theo kịp bài học.
Để chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học được vận dụng thành công, cần sự nỗ lực và phối hợp của nhiều bên liên quan. Trong quá trình này, giáo viên cần là những người đi đầu, và làm gương cho các em học sinh. Hy vọng việc đổi mới phương pháp giáo dục này sẽ mang đến nhiều kết quả khởi sắc trong tương lai.
Tham khảo thêm: 10 Phương pháp xây dựng bài giảng thu hút học sinh
Tổng hợp: Nguyễn Nam (nguồn Internet)