Vừa qua, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài của các nhà giáo đang đứng lớp phản ánh tình hình giáo viên thấy việc phải soạn thảo giáo án/kế hoạch bài dạy theo mẫu tại Phụ lục IV, Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH mỗi tiết học lên đến gần chục trang giấy, tạo áp lực rất lớn về hồ sơ sổ sách vừa mất thời gian vừa không có tác dụng gì cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy ngoài việc phục vụ thanh – kiểm tra.
Trước băn khoăn này, để rộng đường dư luận, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo để lắng nghe quan điểm từ Vụ trực tiếp ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.
Phóng viên: Trước phản ánh của giáo viên trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Trước hết, tôi phải khẳng định ngay, “kịch bản” tổ chức các hoạt động trong bài học cần ngắn gọn, trong đó giáo viên đưa ra các “Câu hỏi” hoặc “Câu lệnh” rõ ràng về nội dung và sản phẩm (nhìn thấy) mà học sinh phải hoàn thành để “giao việc” và hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ cho học sinh thực hiện, chứ không phải là chép lại nội dung (ngữ liệu, hình ảnh) từ sách giáo khoa hay các tài liệu khác. Vì vậy không thể và không cần dài nhiều trang đến thế. Tôi giải thích rõ hơn như sau:
Dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh là thực hiện “Học qua làm”. Khung kế hoạch bài dạy theo mẫu tại phụ lục của Công văn 5512 nhằm gợi ý cho giáo viên cách thiết kế các hoạt động để giao cho học sinh “làm để học”. Muốn vậy thì “Câu hỏi” hoặc “Câu lệnh” cần cho học sinh hiểu rõ phải “Làm gì?”, “Làm như thế nào?” và “Làm ra cái gì?”.
Vì vậy, đối với mỗi hoạt động định tổ chức, giáo viên phải xác định “trúng”: Mục tiêu, Nội dung và Sản phẩm (các mục a, b, c trong mỗi hoạt động là gợi ý giúp giáo viên thực hiện yêu cầu này nên phải được nêu rất ngắn gọn).
Ví dụ, nếu giáo viên muốn giao cho học sinh khai thác một bài đọc trong sách giáo khoa thì phải xác định rõ: Đọc để làm gì? Đọc thế nào? (làm gì trong khi đọc) Sản phẩm sau đọc là gì? (thông tin tìm được, trả lời câu hỏi). Sau khi đã xác định được Câu hỏi/Câu lệnh, giáo viên cần thiết kế “Kịch bản” tổ chức dạy học (mục d) với các hành động cụ thể: giáo viên giao việc, học sinh làm, Học sinh báo cáo, Giáo viên kết luận. Kịch bản này hoàn toàn do giáo viên chủ động, sáng tạo phù hợp với nội dung và đối tượng học sinh.
Mỗi bài học nhìn chung có 2 hoạt động chính, đó là “Học lý thuyết” (Hoạt động 2: Kiến thức mới) và “Làm bài tập” (Hoạt động 3: Luyện tập). Ngoài ra cần có “Vào bài” (Hoạt động 1: Xác định vấn đề/Nhiệm vụ học tập/Mở đầu) và “Vận dụng” (Hoạt động 4: Vận dụng). Hoạt động “Vận dụng” được thực hiện sau 1 bài hoặc 1 nhóm bài là “hoạt động mở”, giáo viên đưa ra “Câu hỏi mở” để học sinh thực hiện chủ yếu ở ngoài giờ học trên lớp.
Như vậy, “kịch bản” tổ chức các hoạt động trong bài học là rất ngắn gọn. Nếu giáo viên xác định trúng vấn đề thì chỉ cần khoảng 2 -3 trang/tiết; một bài 2 tiết thì Kế hoạch bài dạy chỉ khoảng 3-5 trang; không thể dài hàng chục trang như một số thầy, cô đã làm, phản ánh.
Mục đích của kế hoạch bài dạy là để giáo viên thực hiện hiệu quả các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực nhằm đạt được mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; không nhằm mục đích thanh tra, kiểm tra. Việc đánh giá giờ dạy của giáo viên (nếu có) phải được thực hiện trên thực tế dạy học thông qua hoạt động dự giờ, sinh hoạt chuyên môn theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn kêu gọi các thầy cô giáo cần năng động, sáng tạo trong giảng dạy, nhưng quy định khuôn mẫu giáo án đến từng chi tiết có phải là Bộ đang cầm tay chỉ việc giáo viên, đi ngược lại chủ trương tinh giản hồ sơ sổ sách và thúc đẩy sáng tạo, đồng thời làm hạn chế, cản trở quá trình dạy học của mỗi thầy cô giáo?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Như tôi đã nói ở trên, khung kế hoạch bài dạy không phải là mẫu giáo án mà là những hướng dẫn, gợi ý để giáo viên xác định mục tiêu, nội dung và sản phẩm hoạt động học, tổ chức cho học sinh thực hiện để “Ra câu hỏi/lệnh” đúng, “trúng” vấn đề theo nội dung dạy học và đối tượng học sinh.
Tôi xin nói thêm, bất kì hoạt động học tập nào cũng phải bảo đảm rõ về mục tiêu, nội dung và sản phẩm hoạt động mà người học phải hoàn thành. Vì vậy, khi thiết kế kế hoạch bài dạy (soạn giáo án), giáo viên phải “hình dung” rõ về “kịch bản” để tổ chức dạy học, trong đó các “Câu hỏi/Lệnh” giao cho học sinh khai thác ngữ liệu, hình ảnh trong sách giáo khoa, học liệu hoặc sử dụng thiết bị dạy học phải rõ ràng, cụ thể.
Khung kế hoạch bài dạy là văn bản hướng dẫn, gợi ý giáo viên làm tốt điều này, không những không “cầm tay chỉ việc” mà giúp cho giáo viên chủ động, sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục.
Tôi rất mong các thầy giáo, cô giáo hiểu đúng tinh thần này và làm đúng. Khi đó, các thầy, cô sẽ chuẩn bị tốt “kịch bản” dạy học để “rảnh tay” khi lên lớp, dành nhiều thời gian quan sát, nhận xét, đánh giá và hỗ trợ học sinh trong học tập.
Tại Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo: giáo viên “xây dựng các Kế hoạch bài dạy để tổ chức dạy học (theo khung Kế hoạch bài dạy tại Phụ lục IV)“; “Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình tổ chức các hoạt động học được thiết kế trong Kế hoạch bài dạy”; “chú trọng đánh giá bằng nhận xét quá trình và kết quả thực hiện của học sinh theo yêu cầu của câu hỏi, bài tập, bài thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập đã được nêu cụ thể trong Kế hoạch bài dạy”. Vậy, giáo viên bắt buộc phải làm theo các chỉ đạo này, hay đó chỉ là gợi ý để thầy cô tham khảo, không bắt buộc, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Như tôi đã phân tích, khi giáo viên đã xây dựng được “kịch bản” tổ chức dạy học tốt và “rảnh tay” khi lên lớp vì nhiệm vụ đã được giao cho học sinh thực hiện, thì giáo viên sẽ có nhiều thời gian quan sát, hỗ trợ học sinh thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong quá trình đó, giáo viên có thể quan tâm đến từng học sinh hoặc nhóm học sinh trong lớp (qua nhiều giờ dạy) để thực hiện đánh giá “sản phẩm học tập của học sinh” bằng nhận xét (bằng lời hoặc ghi trực tiếp vào vở bài tập của học sinh) hoặc cho điểm.
Hướng dẫn trong Khung kế hoạch bài dạy là gợi ý (không phải bắt buộc trong tất cả các loại bài dạy) để giáo viên thực hiện vì sự tiến bộ của học sinh. Cũng vì vậy, Bộ GDĐT đã có quy định tại Thông tư 26, số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên không phụ thuộc vào số đầu điểm quy định. Giáo viên làm tốt điều này sẽ được “giảm tải” rất nhiều do không phải chấm nhiều bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết trước đây.
Khi giáo viên thắc mắc và phản ánh bất cập của việc soạn giáo án/kế hoạch bài dạy theo Phụ lục IV, Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì xuất hiện “thư công tác” không số, không con dấu và chữ ký được cho là của Vụ Giáo dục trung học đề ngày 25/1/2021 gửi về các địa phương. Đề nghị Vụ cho biết, thư này có giá trị đến đâu, ai chịu trách nhiệm về nội dung của nó?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Việc trao đổi giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Giáo dục Trung học) và các Sở Giáo dục và Đào tạo (Phòng Giáo dục Trung học) qua điện thoại, email được thực hiện thường xuyên trong quá trình triển khai các văn bản và hoạt động chuyên môn. Vì vậy, khi xuất hiện hiện tượng hiểu chưa đúng các văn bản như Công văn 5512 ở một vài nơi thì Vụ Giáo dục Trung học có thư công tác gửi qua email nội bộ để các đơn vị lưu ý thực hiện đúng theo văn bản đã hướng dẫn.
Nội dung thư công tác không có chỉ đạo gì mới, chỉ có giá trị trao đổi nội bộ để thực hiện đúng theo nội dung văn bản đã ban hành.
Để tránh hiểu là văn bản chỉ đạo như vừa qua, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong thời gian tới các nội dung trao đổi qua email sẽ được soạn thảo trực tiếp trong email (không tạo thành file đính kèm) để bảo đảm đúng tính chất trao đổi công việc chuyên môn bình thường.
Mẫu giáo án/kế hoạch bài dạy theo Phụ lục IV Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH có bắt buộc phải áp dụng không? Nếu không, Vụ có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản hành chính đủ con dấu, chữ ký và số hiệu để các địa phương thực hiện hay không?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Kế hoạch bài dạy (giáo án) là yêu cầu bắt buộc giáo viên phải có khi dạy học và đã được quy định tại Điều lệ nhà trường. Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục IV kèm theo Công văn 5512 là văn bản hướng dẫn để giáo viên soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp và kĩ thuật dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, không phải là mẫu giáo án.
Việc trình bày Kế hoạch bài dạy (giáo án) thế nào do giáo viên quyết định nhưng mỗi bài học phải rõ về mục tiêu bài dạy; thiết bị dạy học và học liệu được sử dụng; tiến trình tổ chức hoạt động dạy học.
Mỗi Câu hỏi/Lệnh để tổ chức hoạt động học cho học sinh phải bảo đảm rõ về mục đích, nội dung và sản phẩm hoạt động nhìn thấy (viết, vẽ, nói, làm) mà học sinh thực hiện được. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay.
Trân trọng cảm ơn ông.
Tham khảo thêm:
- Dạy học trực tuyến: Tất cả những gì giáo viên cần phải biết
- Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022
Theo giaoduc.net