Top 10 Phương pháp dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao

Dạy học trực tuyến là một trong những hình thức dạy học rất phổ biến hiện nay tại nhiều quốc gia trên thế giới. Với những ưu điểm về thời gian và không gian học mà học online ngày càng được ưa chuộng hơn cho những người bận rộn hoặc không thể sắp xếp được các khoảng thời gian rảnh cố định để đến các lớp học truyền thống. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, khi dịch Covid – 19 đang ngày càng phức tạp thì dạy học trực tuyến được xem sự lựa chọn hợp lí nhất. Vậy để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao thì cần có những phương pháp nào? Mời bạn hãy tham khảo bài viết sau đây của chúng tôi nhé.

Sử dụng thành thạo công nghệ thông tin

Áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học từ lâu đã trở thành yêu cầu đặt ra đối với mỗi giáo viên. Đặc biệt với việc học trực tuyến thì việc Sử dụng thành thử công nghệ thông tinlà mấu chốt để quyết định thành côngMục đích của dạy học trực tuyến cũng giống như dạy học truyền thống không gì khác chính là giúp người học khởi tạo và củng cố kiến thức về một chủ đề nào đó. Điểm khác biệt giữa hai loại hình dạy và học này nằm ở công cụ và môi trường diễn ra tương tác giữa người học và người dạy.

Việc dạy học trực tuyến đòi hỏi người dạy phải thành thạo trong việc sử dụng công nghệ thông tin đó là việc cài đặt phần mềm và sử dụng phần mềm sao cho có thể tương tác với người học một cách tự nhiên nhất. Khắc phục hạn chế này là một vấn đề của công nghệ và hạ tầng mạng internet cũng như khả năng xử lý của máy tính cá nhân hiện nay sẽ giúp việc học trực tuyến trở nên gần gũi và thân thiện với người học và người dạy hơn.

Giáo viên cần xây dựng tính chủ động, tích cực, tự giác

Giáo viên cần xây dựng tính chủ động, tích cực, tự giác – Đòi hỏi này thực ra được đề cao trong điều kiện dạy và học hiện nay, khi giảng dạy không còn một chiều áp đặt mà luôn cần sự trao đổi, phản biện, phát huy tính tích cực chủ động của học sinh. Tuy nhiên, trong dạy trực tuyến, có lẽ lại càng cần có yêu cầu này nhiều hơn. Bản thân giáo viên, giảng viên cần có đề cương bài giảng được soạn cẩn thận để làm cái sườn, nền tảng cho việc theo dõi của học sinh, sinh viên.

Nếu dạy học trên lớp người giáo viên phải chuẩn bị một thì có lẽ khi dạy học trực tuyến sự chuẩn bị đó phải được đầu tư lên gấp đôi. Người dạy cần quan tâm nhiều hơn đến việc nắm bắt bài học của học sinh, bởi trên thực tế khó đánh giá được sự theo dõi của người học như trên lớp dạy trực tiếp. Nếu không tự xây dựng cho mình tính chủ động, tích cực, tự giác thì có thể giáo viên sẽ nhanh chóng thất bại với kế hoạch dạy trực tuyến của mình.

Người học cần xác định mục tiêu rõ ràng

Trong cách dạy học trong nhà trường hay học trực tuyến thì người học là đối tượng quan trọng nhất. Vì vậy việc người học xác định được mục tiêu học tập của mình một cách rõ ràng là một điều hết sức quan trọng. Khi xác định được mục tiêu họ sẽ tự xây dựng cho mình ý thức tự giác, khắc phục khó khăn, lên kế hoạch… để việc học trực tuyến mang lại hiệu quả cao nhất cho họ.

Môi trường mạng internet có nhiều nguồn gây mất tập trung. Việc các trường thiếu kinh nghiệm triển khai dạy học trực tuyến rất có thể gây ra những trục trặc kỹ thuật hoặc ảnh hưởng tới chất lượng của quá trình dạy. Do vậy, quyết tâm và cam kết của người học là yếu tố quyết định tới hiệu quả của quá trình học. Người học cần chủ động phản hồi và tham gia trao đổi với người dạy, trường và các nhà cung cấp dịch vụ để dần dần cải thiện hệ thống dạy học trực tuyến. Đây chính là việc mà con người có thể làm tốt nhất mà máy tính khó có thể giúp được.

Đổi mới cách tương tác giữa người dạy và người học

Ở lớp dạy trực tiếp, hỏi đáp, tranh luận, thậm chí chỉ qua ngôn ngữ hình thể…, đều là những cách tương tác. Việc tương tác không chỉ gắn với bài học mà còn với một người thầy có tính hình mẫu cao với học trò, rộng hơn là tương tác giữa người với người, làm nảy sinh tình cảm, sự gắn bó và các mối liên hệ khác. Nhưng ở lớp dạy trực tuyến, các cách tương tác đó có thể không còn được phát huy mà đòi hỏi có những cách trao đổi, tác động qua lại kiểu khác, cần đổi mới cách tương tác giữa người dạy và người học.

dạy học trực tuyến hiệu quả

Đổi mới cách tương tác giữa người dạy và người học là điều có thể thực hiện tốt trong dạy trực tuyến. Trong quá trình học, người học nên tích cực sử dụng các công cụ bình luận (comment) nếu cách giảng cho phép bình luận trực tiếp; giáo viên cần quan tâm nhiều hơn đến các chia sẻ trong nhóm, nhất là với những ý kiến có liên quan đến bài giảng, đến phương pháp giảng; mạnh dạn trao đổi qua email hoặc các hình thức chia sẻ ý kiến khác… Ở vai trò chủ động, người thầy nên thực sự tạo điều kiện và tích cực thực hiện việc tương tác, để ít nhất cũng lắng nghe được sự phản hồi của người học như thế nào, sau nữa là tạo sự gắn kết, gần gũi giữa thầy và trò một cách tích cực.

Khắc phục các rào cản về tâm lý

Theo cách dạy học truyền thống, thầy và trò thường đối mặt nhau, gặp gỡ trực tiếp với nhau – dù lâu nay, việc dạy học từ xa đã được thực hiện khá phổ biến nhưng nhiều người dạy vẫn chưa quen việc nói trước màn hình mà không biết có ai nghe không, còn người học thì chỉ nghe mà không biết rằng người nói liệu có hướng đến mình không… Do đó, người chưa từng dạy trực tuyến cần khắc phục rào cản tâm lý, sớm bỏ qua tâm lý ngại ngần khi “nói một mình”, còn người chưa từng học trực tuyến cũng không cần quan tâm nhiều đến việc có được “quan tâm” hay không.

Người dạy cần nói một cách rõ ràng nhất có thể, bởi trong cách dạy này, ngôn ngữ hình thể có thể không còn phát huy nhiều tác dụng khi người học có khi không quan tâm nhiều đến yếu tố “xem” mà chỉ chú trọng yếu tố “nghe”. Ngay cả trong trường hợp ít sử dụng bảng để viết các ghi chú thì cũng cần được thay thế bằng các cách diễn đạt khác phù hợp, như hình ảnh, video clip… Và, người dạy cũng cần vượt qua tâm lý “có hứng” khi nói trước nhiều người nghe, được sự khích lệ… mà phải chú tâm truyền đạt một cách tốt nhất có thể.

Giáo viên cần tâm huyết, nghiêm túc với bản thân

Ở môi trường giáo dục thì sự tâm huyết, nghiêm túc với bản thân của mỗi giáo viên là điều hết sức quan trọng. Khi có trong mình tấm lòng yêu học sinh, tâm huyết vào các bài giảng thì người giáo viên mới có thể tạo ra những bài dạy chất lượng. Một người giáo viên nếu không có tâm huyết thì sẽ dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó, sẽ tạo ra những bài giảng hời hợt, cho có…

Hơn nữa trong quá trình dạy trực tuyến giáo viên sẽ gặp vô vàn khó khăn đặc biệt với những người không am hiểu về công nghệ thông tin. Họ sẽ lúng túng trong việc sử dụng các phần mềm, từ đó gây nên sự chán nản và nhanh chóng bỏ cuộc. Vì vậy, chỉ có sự tâm huyết, nghiêm túc với bản thân để cố gắng, học hỏi mới giúp người giáo viên vượt qua được những trở ngại đó. Để từ đó học tạo ra những bài giảng tâm huyết để gửi đến học sinh của mình.

Lựa chọn hệ thống phần mềm phù hợp

Hiện nay có rất nhiều phần mềm dạy học trực tuyến được ra đời, nhưng lựa chọn phần mềm nào cho phù hợp với nhu cầu và đặc thù của cơ sở giáo dục của mình thì cũng là một vấn đề đặt ra. Các phần mềm mã nguồn mở hoặc miễn phí như Google Classroom, hay Moodle thường khó tùy biến và cần có thời gian để người học và người dùng làm quen. Các giải pháp phần mềm có trả phí như Zoom hay Skype hoặc các giải pháp do các công ty/tổ chức phát triển riêng cho từng trường thường có chi phí cao.

dạy học trực tuyến hiệu quả

Khi đã lựa được hệ thống phần mềm phù hợp thì các cơ sở giáo dục cũng cần dành thời gian để người dùng làm quen với các hệ thống trước khi đi vào áp dụng trực tiếp. Các cơ sở giáo dục cũng nên lựa chọn giảng dạy trực tuyến các môn học cơ bản với số lượng người học không quá đông trước khi áp dụng cho những môn học chuyên sâu hoặc lớp học có số lượng lớn

Đánh giá sau mỗi khóa học

Quá trình học tập nào cũng vậy, việc đánh giá kết quả của người học được xem là khâu quan trọng nhất. Từ khâu đánh giá người dạy có thể rút ra được phương pháp dạy của mình có phù hơp không, người học có thật sự ham muốn, ý thức và tự giác không… Vì vậy đánh giá sau mỗi khóa học được xem là kim chỉ nam để đánh giá năng lực người học.

Rất nhiều người nghĩ rằng, sau khi triển khai khóa học thì mọi công việc đã hoàn thành, tuy nhiên, bước đánh giá lại là giai đoạn giúp bạn nâng cao kĩ năng cũng như kiến thức của bản thân một lần nữa. Đánh giá sau mỗi khóa học là cần thiết vì bạn cần xác định xem liệu bạn đã đạt được mục đích của mình đề ra chưa. Ngoài ra những đánh giá từ những học viên còn giúp bạn nhận ra những điểm mạnh, yếu về hệ thống trực tuyến mà mình sử dụng, từ đó bạn có thể cải thiện chúng ở những lần lựa chọn đơn vị đào tạo trực tuyến tiếp theo.

Lưu trữ lại bài giảng

Khi học trực tuyến việc người dạy nói hoặc trình bày liên tục bài giảng trong một khoảng thời gian dài có thể khiến người học mất tập trung. Vì vậy, việc lưu trữ lại bài giảng là cách quan trọng giúp người dạy và người học tạo nên hiệu quả cao trong việc dạy, học. Các bài giảng đã được quay có thể được lưu giữ lại để người học có thể xem lại khi cần.

Ngoài việc lưu trữ lại bài giảng, thì cũng cần cũng cần được tổ chức một cách khoa học và dễ tìm kiếm để giúp người học không gặp khó khăn. Ngoài ra các học liệu khác như bài đọc, các đường dẫn tới tài liệu tham khảo trên mạng, các bài ôn tập, bài kiểm tra, các phiếu mô tả hoạt động học tập… cũng cần được chuẩn bị và giới thiệu tới người học đúng thời điểm, phù hợp và hiệu quả.

Cơ sở giáo dục cần có sự quan tâm, giúp đỡ giáo viên

Trong mùa dịch Covid – 19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, thì việc dạy học trực tuyến được các cơ sở giáo dục áp dụng để đảm bảo kiến thức cho học sinh. Để việc học mang lại kết quả cao thì các cơ sở giáo dục cần có sự quan tâm, giúp đỡ giáo viên trong việc dạy trực tuyến. Trong quá trình giảng dạy giáo viên chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì vậy việc được giúp đỡ, động viên là rất cần thiết.

Với sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các hình thức giảng dạy trực tuyến sẽ góp phần duy trì việc học tập của học sinh. Đồng thời, tăng cường mối liên hệ giữa giáo viên và học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh trong công tác quản lý, giáo dục; giúp cho học sinh chủ động học và ôn tập, sẵn sàng bắt nhịp khi có lịch đi học trở lại.

Tóm lại, có thể còn sớm để khẳng định dạy và học trực tuyến là xu thế tất yếu nhưng vẫn nên xem đây là một phương pháp cần thiết, quan trọng, ít nhiều có tính tiết kiệm, và có tính khả thi cao trong bối cảnh giáo dục hiện nay, kể cả không có dịch Covid-19. Nhưng để hoạt động này thực sự có chất lượng, hiệu quả, cần có sự thay đổi dần, thích nghi dần, như là một cách làm quen, cả phía cơ sở giáo dục, người dạy và người học.

Nguồn: toplist