Tình yêu tuổi học trò: 4 cách ứng xử khéo léo giáo viên nên biết

Tình yêu tuổi học trò không xấu, nếu giáo viên ứng xử đúng sẽ giúp các bạn cân bằng tốt giữa tình yêu và học tập, đồng thời biết cách phát triển mối quan hệ lành mạnh để tạo động lực hoàn thiện bản thân.

Tình yêu tuổi học trò là một tình cảm đẹp mà bất kỳ ai cũng từng trải qua. Đây là biểu hiện rất bình thường về mặt tâm sinh lý trong quá trình phát triển của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, nhiều thầy cô khá bối rối khi rơi vào tình huống này không biết xử trí như thế nào? Đừng lo, hãy xem ngay bài viết dưới đây để có hướng ứng xử tốt nhất.

Hiểu rõ tình yêu tuổi học trò là gì để có cái nhìn khách quan

Khái niệm tình yêu tuổi học trò thường được hiểu là các mối quan hệ tình cảm giữa học sinh trong độ tuổi 12 đến 18 tuổi (từ cấp 2 đến cấp 3) – giai đoạn các bạn đang có sự thay đổi về tâm sinh lý và bắt đầu phát triển nhận thức về tình cảm. Lúc này, học sinh nam, nữ đã có những nhận thức mơ hồ về giới tính của mình, cũng như sự hấp dẫn, tò mò về sự khác biệt giữa hai giới; nên dễ “cảm nắng” với một bạn khác.

Hơn hết, giáo viên cần hiểu rằng đây là tâm lý tuổi mới lớn, phản ứng sinh lý bình thường của mỗi con người. Vì thế, khi nhận thấy các em có những rung động đầu đời, thay vì la mắng, thầy cô nên có cái nhìn tích cực về tình yêu tuổi học trò. Từ đó có thể ứng xử một cách phù hợp, tránh làm tổn thương các bạn.

Tình yêu học đường thường xuất hiện ở giai đoạn từ 12 – 18 tuổi, khi các em có những thay đổi về tâm sinh lý và nhận thức tình cảm.

Giáo viên nên tôn trọng, nhẹ nhàng chia sẻ để định hướng đúng cho các bạn

Tình yêu học đường không có gì là sai hay đáng trách, nếu biết làm chủ cảm xúc và có cái nhìn đúng đắn nó sẽ là động lực thúc đẩy các bạn học tập tốt hơn. Quan trọng là thầy cô – những người trưởng thành gần gũi nhất với các em, nên tôn trọng và chia sẻ nhẹ nhàng để định hướng cho các bạn nhận thức đúng đắn về tình yêu tuổi học trò là như thế nào lành mạnh:

– Cả hai nên có định hướng rõ ràng việc học tập trong giai đoạn này vẫn là quan trọng nhất, nên hãy hỗ trợ nhau trong học tập như làm bài tập nhóm chung, học thêm các môn kỹ năng… Song song, đặt mục tiêu cùng nhau thi đậu vào trường cấp 3, đại học giỏi…

– Biết làm chủ cảm xúc và giải quyết sớm các mâu thuẫn. Ví dụ như, khi có giận hờn, hiểu lầm cả hai nên bình tĩnh để suy nghĩ, đợi đến khi nguôi giận rồi hãy gặp nhau chia sẻ để giải quyết vấn đề. Trong thời gian đó, các bạn cũng tránh để cảm xúc buồn bực lấn át, dẫn đến không chú ý nghe thầy cô giảng bài hay không làm bài tập sẽ ảnh hưởng tới việc học hành.

– Vạch ra những giới hạn rõ ràng trong tình yêu tuổi học trò. Chỉ nên dừng ở mức quan tâm, giúp đỡ nhau học tập và trong cuộc sống; đồng thời tránh các hành động thể hiện tình cảm phản cảm nơi công cộng.

– Tránh dành quá nhiều sự tập trung cho tình yêu. Hãy thay vào đó là một số hoạt động khác như: Học bài, giúp đỡ bố mẹ, gặp gỡ bạn bè.

Nhận thức đúng đắn về tình yêu tuổi học trò giúp các bạn phát triển tình cảm theo hướng lành mạnh để cùng nhau tiến bộ.

Trang bị cho các bạn những kiến thức về tâm sinh lý, giáo dục giới tính

Các bạn học sinh độ tuổi này chưa có nhiều kinh nghiệm trong tình yêu lẫn cuộc sống. Vì vậy, giáo viên nên hỗ trợ/hướng dẫn cho các bạn những kiến thức chắc chắn thế nào là tình yêu tuổi học trò và sức khỏe sinh sản, bằng cách:

Tổ chức các buổi sinh hoạt chủ đề tình yêu học đường: Để học sinh thoải mái chia sẻ, đặt câu hỏi về tâm sinh lý và giới tính. Trong buổi đó giáo viên chia sẻ thông tin chính xác và phản ánh đúng đắn về tâm sinh lý, giáo dục giới tính, và các vấn đề khác liên quan.

Giáo dục giới tính an toàn: Giáo viên hãy tạo ra một môi trường thân thiện, cởi mở để nói chuyện và thảo luận thoải mái về tình dục an toàn, bao gồm cả vấn đề liên quan đến sức khỏe và tránh thai. Bên cạnh đó, thầy cô nên trang bị đầy đủ kiến thức để giải đáp chính xác, đầy đủ, khoa học những thắc mắc của các bạn bằng thuật ngữ đơn giản và dễ hiểu.

Gợi ý các bạn tham khảo thêm những bộ phim, sách, video phù hợp: Khuyến khích học sinh tự nghiên cứu và tìm hiểu về tâm sinh lý và giới tính từ các nguồn thông tin khác như sách, phim, trang web/Fanpage/Group đáng tin cậy …

Việc tổ chức các buổi sinh hoạt góp phần trang bị thêm cho học sinh những kiến thức cần thiết về tâm sinh lý, giới tính.

Phối hợp cùng phụ huynh để tránh gây áp lực tâm lý cho các bạn

Tâm lý của thầy cô và bố mẹ với các bạn ở độ tuổi học sinh là chú trọng việc học hành hơn mối quan hệ tình cảm. Vì thế, khi biết các bạn có nảy sinh tình cảm thường cấm đoán. Nhưng tâm lý càng cấm càng làm, đặc biệt ở độ tuổi mới lớn, các bạn dễ hình thành tâm lý dè chừng, xa cách, nói dối để lén lút yêu. Từ đó khó kiểm soát, có thể xảy ra nhiều vấn đề như không tập trung vào việc học, thậm chí là đi quá giới hạn – quan hệ tình dục quá sớm…

Do đó, giáo viên và phụ huynh cần phối hợp với nhau để trở thành chỗ dựa tinh thần + “quân sư” tình yêu đáng tin cậy. Chia sẻ với các em về những vấn đề hay những khúc mắc về sức khỏe sinh sản, tình yêu để tránh những mối nguy tiềm tàng của tình yêu tuổi học trò. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên tôn trọng quyền riêng tư của các bạn, không lén xem nhật ký, tin nhắn, hình ảnh… Bởi việc tự ý có thể làm các bạn bắt đầu xây dựng “hàng rào bảo vệ” và không có thiện ý chia sẻ cùng cha mẹ nữa.

Có thể nói, giáo viên nếu biết cách ứng xử khi đối mặt với tình yêu tuổi học trò sẽ tạo ra sợi dây kết nối giúp học sinh có thể cân bằng giữa tình yêu – học tập, và biến tình cảm này thành động lực tích cực giúp các bạn vươn lên. Ngoài ra, đừng quên tham khảo thêm các bài viết tại mục Thầy cô chúng mình để tự tin là người bạn đồng hành tốt nhất của các em nhé!