Phương pháp tạo động lực và nhu cầu học tập cho học sinh

Trong quá trình giảng dạy của mỗi giáo viên, trở ngại lớn nhất thường xuyên được nhắc đến có lẽ là vấn đề tạo động lực và nhu cầu học tập cho học sinh. Dù cho nội dung bài giảng đã được tinh gọn, biến đổi để chúng trở nên thú vị hơn nhưng có vẻ vẫn không khiến học sinh hoàn toàn chú tâm. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Có thể một phần là do phương pháp truyền đạt chưa đủ tạo động lực và cảm hứng học tập cho các bạn. Cẩm nang dạy học xin chia sẻ một vài ý tưởng sau đây hy vọng giúp ích cho quá trình giảng dạy của thầy cô.

Động lực nội tại và ngoại sinh

Giáo viên có thể chia học sinh của mình thành hai nhóm tiêu chí động lực: Động lực nội tại và động lực ngoại sinh.

Động lực nội tại bao gồm những yếu tố xuất phát từ bên trong, những khao khát, hy vọng và cảm xúc. Những học sinh thuộc nhóm động lực nội tại sẽ hết mình hoàn thành xuất sắc những mục tiêu đề ra. Trong một số trường hợp, nguồn nội lực này xuất phát từ một chủ đề giáo viên giảng dạy mà học sinh thực sự quan tâm. Các bạn sẽ đặc biệt chăm chú lắng nghe và học hỏi nếu các bạn yêu thích chủ đề đó.

Bên cạnh đó, động lực ngoại sinh bao gồm những yếu tố tác động từ bên ngoài, ví dụ như điểm số, lời khen, giải thưởng, bằng khen, v.v…

Tạo động lực cho học sinh bằng việc thiết kế mục tiêu rõ ràng

Đa số học sinh chưa biết rõ mục tiêu cuối cùng mà các bạn cần đạt được sau một quá trình học tập là gì. Nhiệm vụ của giáo viên là hãy cho các bạn thấy rõ điều đó. Vào mỗi khi bắt đầu môn học hay một bài học mới, giáo viên nên đưa ra những mục tiêu kết thúc môn hoặc bài học một cách cụ thể và dễ nhớ nhất cho các bạn học sinh. Nhắc đi nhắc lại những mục tiêu đó trong lúc giảng bài cũng là một phương pháp để nhấn mạnh cho học sinh biết chính xác các bạn cần tập trung làm điều đó vì mục đích gì.

Để dễ dàng truyền đạt mục tiêu học tập đến học sinh, thầy cô hãy cho các bạn thấy sự liên quan giữa kiến thức sách vở đến những vấn đề trong cuộc sống. Ví dụ như phép tính nhanh giúp ích như thế nào khi các bạn ra tiệm tạp hóa mua đồ, hay những phản ứng hóa học nào có thể làm sạch. Đồng thời, hãy tạo cơ hội cho các bạn thể hiện kiến thức cá nhân và chính những “đích đến” như vậy sẽ giúp thúc đẩy động lực cho các bạn rất nhiều.

Duy trì tư duy về sự phát triển

Giáo viên hỗ trợ học sinh xây dựng và duy trì thái độ tích cực về sự phát triển bản thân. Thầy cô đặt ra những yêu cầu vừa đủ, phù hợp với khả năng hiện tại của từng nhóm học sinh. Đừng khiến các bạn bị quá áp lực và dường như không thể đạt được mục tiêu mà các thầy cô đề ra.

Các bạn học sinh sẽ thuận lợi đạt những mục tiêu vừa tầm với khả năng bản thân. Từ đó, các bạn sẽ tự tin và sẽ có động lực thực hiện những mục tiêu cao hơn trong quá trình học tập.

Tạo động lực cho học sinh thông qua việc tuyên dương

“Sự khích lệ và công nhận những mặt tích cực của học sinh sẽ là nguồn động viên to lớn có sức mạnh diệu kỳ hơn là chỉ để ý vào những sai sót, lỗi lầm” – trích Sức mạnh của sự khích lệ của Ken Blanchard.

Giáo viên nên tự thiết kế hệ thống phần thưởng cho cả lớp. Tùy loại phần thưởng sẽ ở những mức độ khác nhau dựa trên sở thích của học sinh. Việc trao thưởng có thể dành cho tất cả học sinh, một nhóm nhỏ hay một đối tượng cụ thể mà bạn đang nhắm vào. Hãy đặt trên bàn của mỗi học sinh một biểu đồ nhỏ để theo dõi những hành vi tích cực mà thầy cô muốn khen thưởng như thái độ tốt, thành tích vượt trội, sự tiến bộ hằng ngày, v.v…

Những phần thưởng đó có thể hấp dẫn nhưng quan trọng nhất vẫn là sự công nhận và những lời khen ngợi. Nhiều học sinh mong chờ nhận được những lời tán thưởng và được công nhận từ giáo viên và phụ huynh về thành tích mình đạt được, cho dù là những nhỏ nhất. Đó là nguồn động lực to lớn giúp các học sinh tiến bộ không ngừng và hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Tìm hiểu các sở thích của học sinh

Có thể nói đây là phương pháp đào sâu vào động lực xuất phát từ bên trong của học sinh. Khi được học môn bản thân thích, học sinh sẽ tập trung hơn rất nhiều. Vì vậy, giáo viên nên tìm hiểu một số sở thích của học sinh, lồng ghép vào bài giảng những xu hướng hiện tại mà học sinh quan tâm. Điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho những học sinh đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm động lực học tập.

Kiến Guru sở hữu kho học liệu hơn 100.000 video bài giảng, infographic tổng kết và các câu hỏi thực hành trực quan, sinh động. Giáo viên có thể sử dụng nguồn tài nguyên này để kết hợp giảng dạy các bạn học sinh từ Lớp 1 đến Lớp 12. Ứng dụng giáo dục hiện đại được phát triển bởi tập đoàn Ruangguru, đơn vị tiên phong công nghệ giáo dục tại Đông Nam Á. Bằng nền tảng hiện đại, giáo viên dễ dàng thao tác, quản lý tài liệu dạy và học cho các bạn học sinh với chi phí tối ưu nhất.

Duy trì mối quan hệ tích cực với học sinh

Phát triển mối quan hệ tích cực với học sinh là điều kiện quan trọng để những ý tưởng tạo động lực học tập cho học sinh ở trên được phát huy hiệu quả và dài lâu. Giáo viên nên cố gắng trao đổi với học trò để có thể tìm hiểu sở thích, thái độ học tập của các bạn. Từ đó, thầy cô sẽ nhanh chóng xây dựng và trau dồi phương pháp giảng dạy hiệu quả của bản thân.

Có thể nói, động lực trong mỗi học sinh được hình thành và lớn lên trong tình yêu thương của thầy cô. Khi học sinh biết giáo viên quan tâm và mong muốn mình thành công, họ cũng sẽ đáp lại. Vì vậy, hãy đừng ngần ngại thể hiện tình yêu và sự quan tâm đến các học trò, thầy cô nhé.

Cẩm nang dạy học hy vọng thầy cô sẽ tìm ra đâu đó trong bài viết một ý tưởng để giúp tạo được động lực học tập dài lâu cho học sinh của mình.

Tham khảo thêm