Học sinh lớp 1 ở Hà Nội kiểm tra trực tuyến thế nào

Cùng con kiểm tra, thi thử học kỳ trực tuyến, chị Phương Linh, 32 tuổi, cảm thấy stress như “thi TOEFL hơn 10 năm trước, một lúc phải kết hợp nhiều kỹ năng”.

Con chị Linh phải làm bài trên Google form, được cô giáo gửi link trước buổi thi. Vì chưa thạo chữ, trẻ được cô giáo đọc đề. Câu nào dễ, con chị làm rất nhanh nhưng thường không theo kịp những câu hỏi khó, khiến bài kiểm tra bị tắc lại. “Các anh chị lớn có thể đã thông thạo thao tác ‘khó quá bỏ qua’ hoặc đoán bừa để hoàn thành bài, nhưng với học sinh lớp 1, kỹ năng này cũng cần phải được hướng dẫn”, chị Linh nói.

Chưa kể, việc thi trực tuyến cũng khiến trẻ mất tập trung. Giáo viên vừa đọc đề, vừa phải quản lớp, thường xuyên phải dừng lại để nhắc nhở những học sinh nói tự do, bật tắt camera, mic tùy hứng… “Người lớn làm bài cũng xao nhãng chứ đừng nói trẻ con. Tôi ngồi ngoài mà áp lực theo”, chị Linh kể.

Người mẹ đánh giá, việc làm bài trên Google form cũng khiến trẻ mệt mỏi, bởi “phải đọc được mới có thể biết chỗ nào điền tên và lớp, làm xong phải tìm chỗ ấn nộp bài”. Ở lớp con chị Linh, nhiều bạn làm xong không biết ấn nộp, ông bà loay hoay cả buổi cùng cháu hoặc phải đợi đến tối, bố mẹ đi làm về mới nộp được bài.

Cùng con trải qua ba lần thi thử cho buổi kiểm tra chính thức, được tổ chức vào cuối tháng 12, chị Linh mới thấy “tạm có kỹ năng một chút”. Người mẹ cho rằng, cách kiểm tra trực tuyến với lớp 1 thế này khiến phụ huynh “mệt và rất vất vả”.

Cũng trải qua những ngày “đánh vật” cùng con để làm quen với thao tác, chị Ngọc, quận Nam Từ Liêm, “chỉ mong học kỳ sau hết dịch để được kiểm tra trực tiếp”. Là học sinh của một trường tư thục, con chị bắt đầu học trực tuyến từ cuối tháng 8, sớm hơn 2-3 tuần so với lịch của các trường công lập. Khi thấy con bắt nhịp khá tốt, chị Ngọc nghĩ “chắc kiểm tra trực tuyến cũng nhẹ nhàng”.

Tuy nhiên, khi cùng con luyện tập để làm quen với đề trắc nghiệm và thao tác làm bài trên phần mềm, người mẹ thừa nhận “mọi thứ không dễ như mình nghĩ”. Khả năng tập trung của bé tương đối kém, lại hay quên, chị Ngọc nhiều khi “muốn điên đầu” khi vừa dạy cách điền tên, chọn đáp án… thì bé có thể quên sạch sau đó 30 phút.

“Nhẹ nhàng nhất là bài kiểm tra đọc, con có thể tự truy cập vào lớp như buổi học trực tuyến bình thường, sau đó đợi cô gọi đọc. Các bài thi còn lại cần sự hỗ trợ rất nhiều từ phụ huynh”, chị nói.

Học sinh lớp 1 ở Hà nội kiểm tra trực tuyến

Để hạn chế việc phụ huynh, học sinh lớp 1 cảm thấy mệt mỏi và áp lực, nhiều trường không phức tạp hóa kiểm tra học kỳ. Các bài thi giống như một buổi học thông thường với các thao tác giao, nộp tương tự bài tập về nhà.

Cô Hoàng Quỳnh Anh, giáo viên lớp 1, Tiểu học Khương Thượng, quận Đống Đa, cho biết trường chỉ dùng Google form để kiểm tra trắc nghiệm với lớp lớn vì các em đã biết đọc và có kỹ năng nhất định, chứ không áp dụng với lớp 1.

Thay vào đó, trẻ vẫn làm bài theo cách truyền thống. Lường trước việc học sinh không thể đọc được toàn bộ đề thi, cô giáo sẽ chiếu từng câu hỏi trên màn hình Zoom rồi đọc cho các em. Nếu là câu hỏi trắc nghiệm, học sinh chỉ cần ghi đáp án hoặc kết quả lựa chọn. Sau khi học sinh làm xong, giáo viên mới chuyển sang câu hỏi tiếp theo.

Cô Quỳnh Anh đánh giá, việc làm bài trắc nghiệm trên các nền tảng sẽ giảm công việc cho giáo viên vì hệ thống có thể chấm điểm luôn sau khi nộp bài. Tuy nhiên, học sinh lớp 1 chủ yếu được rèn về chữ viết, cách trình bày nên việc cho trẻ làm bài trắc nghiệm sẽ không đáp ứng được. Do đó, trường Khương Thượng vẫn cho học sinh làm bài trên giấy, phụ huynh chụp lại và gửi cho giáo viên chấm bài.

Việc này khiến cô Quỳnh Anh bận rộn hơn. “Dù vậy, tôi cho rằng hình thức kiểm tra truyền thống là hợp lý, tránh quá phụ thuộc vào công nghệ hiện đại hoặc vô tình tạo quá nhiều áp lực cho các em và gia đình”, cô nói.

Cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Tiểu học Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, cho biết sẽ triển khai thi học kỳ I theo hình thức trực tuyến qua phần mềm Zoom cho toàn bộ học sinh. Phương thức thi sẽ tương tự học kỳ II năm ngoái và giống với những tiết học hàng ngày để học sinh không bỡ ngỡ.

Theo đó, với môn Toán và phần Viết của môn Tiếng Việt, đề kiểm tra sẽ được gửi cho học sinh qua Zoom. Các em làm bài trên giấy, phụ huynh chụp lại và gửi qua nhóm Zalo, hoặc đem đến trường để giáo viên chấm. Với phần Đọc của môn Tiếng Việt, giáo viên sẽ chia nhóm 5 bạn một, gọi đọc như bình thường. Bài kiểm tra sẽ chỉ bao gồm những kiến thức cốt lõi theo hướng dẫn giảm tải chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhằm tạo điều kiện để phụ huynh hỗ trợ con thao tác trên máy tính và đảm bảo an toàn khi sử dụng thiết bị điện tử, thời gian làm bài kiểm tra học kỳ đối với lớp 1 diễn ra vào buổi tối. “Chúng tôi cố gắng làm giống những buổi học thường ngày nhất có thể để cả phụ huynh và học sinh không phải chịu thêm áp lực”, cô Lan nói.

Tuy nhiên, để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, thay vì một giáo viên phụ trách một lớp, trường sẽ bố trí hai giáo viên giám sát trên hai màn hình riêng biệt ở mỗi buổi thi. Hiệu trưởng Tiểu học Xuân Phương cho rằng không thể bắt mỗi nhà phải có hai camera để quay các góc trong quá trình kiểm tra bởi tỷ lệ học sinh có máy tính cũng chỉ ở mức 60%.

Trong bối cảnh học sinh lớp 1 chưa được đến trường mới ngày nào, cô Lan không kỳ vọng việc kiểm tra cuối kỳ hoàn hảo như thi trực tiếp. Thời gian làm bài mỗi môn là 35 phút, nếu học sinh có quá giờ 5-7 phút, giáo viên cũng sẽ cảm thông.

“Chúng tôi chỉ cần các con nắm được kiến thức cơ bản và hoàn thành bài. Sau này đi học trở lại, nhà trường sẽ có phương án để hỗ trợ các con bù đắp kiến thức”, cô Lan nói.

Ngày 13/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành một văn bản hướng dẫn, yêu cầu tổ chức kiểm tra định kỳ trực tiếp với học sinh lớp 1, 2; trừ trường hợp bất khả kháng. Trong khi đó, Bộ cho phép các khối lớp tiểu học còn lại linh hoạt lựa chọn hình thức kiểm tra cuối kỳ, cuối năm. Việc này khiến phụ huynh và nhà trường băn khoăn bởi học sinh tại nhiều nơi, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, chưa đến trường ngày nào.

Hai ngày sau, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ giải thích ở những địa phương mà học sinh không thể đến trường do dịch bệnh, các trường tổ chức kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ theo hình thức trực tuyến.

Tại Hà Nội, học sinh lớp 1 học trực tuyến từ tháng 9, chưa được đến trường ngày nào nên các trường tiểu học đều tổ chức kiểm tra online nhưng cách làm tương đối đa dạng. Với môn Toán, nhiều trường tận dụng các phần mềm với chức năng chấm tự động để xây dựng đề trắc nghiệm, một số vẫn cho học sinh làm trên giấy rồi phụ huynh chụp lại. Riêng môn Tiếng Việt, giáo viên có thể kiểm tra trực tiếp phần tập đọc của từng học sinh, tập làm văn có thể kết hợp trắc nghiệm và viết trên giấy.

Vất vả kèm con ôn tập để kiểm tra trực tuyến, chị Ngọc bày tỏ sự chia sẻ với giáo viên, nhà trường vì “hiểu rằng đây là lựa chọn tất yếu”. “Trong bối cảnh dịch bệnh, học trực tuyến không thể đạt kết quả như trực tiếp nên tôi mong trường học càng đơn giản hóa việc kiểm tra càng tốt”, chị nói.

Nguồn: vnexpress.net