Cô giáo chữa bệnh sợ học môn Lịch sử cho học sinh

Những kiến thức Lịch sử vốn khô khan, khó nhớ được cô Trần Quỳnh Chi sâu chuỗi, liên hệ đến thực tế giúp học sinh cảm thấy gần gũi, hấp dẫn và hứng thú hơn khi học.

Là một trong những số ít giáo viên vinh dự được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục năm 2020, cô Trần Quỳnh Chi, giáo viên trường THPT chuyên tỉnh Tuyên Quang gây ấn tượng với nhiều đồng nghiệp và học sinh khi chia sẻ phương pháp dạy môn Lịch sử hấp dẫn, chân thực.

cô giáo chữa bệnh sợ môn lịch sử
Cô Trần Quỳnh Chi, giáo viên trường THPT chuyên tỉnh Tuyên Quang khiến nhiều học sinh yêu thích môn Lịch sử bằng những phương pháp dạy sáng tạo. (Ảnh: NVCC)

Là một giáo viên dạy môn Lịch sử, cô Chi cho rằng, nhận thức đúng đắn về lịch sử, về quá khứ đã qua và hiện tại đang diễn ra là cơ sở để mỗi người, mỗi dân tộc hoạch định tương lai của mình. Điều đó không chỉ đúng với lịch sử một dân tộc mà còn đúng với lịch sử cá nhân mỗi người. Trong mối quan hệ biện chứng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, dạy học môn Lịch sử có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp học sinh biết trân trọng quá khứ, sống tốt ở hiện tại và dự đoán tương lai.

Thừa nhận bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông có lượng kiến thức tương đối phong phú về lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, cô Chi cũng thẳng thắn cho rằng, do đặc trưng của bộ môn, đối tượng của lịch sử là quá khứ đã diễn ra, không thể tái hiện hay trực tiếp quan sát được mà chỉ được phản ánh qua các nguồn sử liệu, nhiều học sinh bởi vậy mà chưa hứng thú với môn học này. Làm sao để giúp học sinh nhận thức được lịch sử một cách chính xác, chân thực như nó đã tồn tại là một khó khăn với người thầy, cũng là nỗi trăn trở của cô Chi trong suốt những năm tháng đứng lớp.

“Chương trình môn Lịch sử hiện hành còn nặng về kiến thức, việc kiểm tra, đánh giá vẫn thiên về nhận biết, tái hiện kiến thức trong sách giáo khoa. Nhiều học sinh cho rằng lịch sử đơn giản chỉ là những gì xảy ra trong quá khứ, đã qua từ lâu, không liên hệ gì đến hiện tại, không liên quan gì đến tương lai. Đa số học sinh xem nhẹ môn học này vì cho rằng không ứng dụng gì trong cuộc sống, ít cơ hội nghề nghiệp sau này. 

Tôi vẫn nhớ, trong buổi tham dự triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trăn trở: “Tại sao Lịch sử chưa phải là môn học hấp dẫn đối với học sinh? Nếu không thay đổi thực tế này thì làm sao chúng ta bồi dưỡng tinh thần, ý thức dân tộc; và nếu không thay đổi được thực tế này thì chúng ta khó có thể động viên, lôi kéo những tài năng trẻ, những thanh niên ưu tú của Việt Nam trên khắp thế giới về đây cống hiến, phụng sự quốc gia”? Khi giảng dạy Lịch sử, giáo viên cần giúp học sinh thấy rõ những bài học từ quá khứ có mối liên hệ đến hiện tại và tương lai, biết quá khứ, hiểu hiện tại và dự đoán cho tương lai, làm cho những giá trị của quá khứ tiếp tục đóng góp cho hiện tại và tương lai; giúp các em thấy được ẩn sau lớp bụi phủ của thời gian, lớp rêu phong của di tích, lăng tẩm, đền đài, trầm tích, cổ vật… là lấp lánh những giá trị vô giá của lịch sử. Từ đó, các em biết tôn trọng lịch sử và ứng xử văn minh với quá khứ”, cô Chi nói. 

Từ những suy nghĩ trên, cô Trần Quỳnh Chi cho rằng, giáo viên cần cho các em đi  từ biết đến hiểu, từ hiểu đến hứng thú, từ hứng thú đến đam mê. 

Kể câu chuyện lịch sử từ những “nhân chứng sống”

Chia sẻ về phương pháp dạy môn Lịch sử, cô Trần Quỳnh cho cho biết, cô thường cùng học sinh trực tiếp gặp gỡ những “nhân chứng chiến tranh” để tìm hiểu thông tin sống động về những cuộc chiến vốn chỉ được biết đến qua sách vở. Sau đó, các em sẽ đóng vai giáo viên để thuyết trình kiến thức trước lớp. 

Bằng cách này, khoảng cách thế hệ phần nào được rút ngắn, mỗi câu trả lời của “nhân chứng sống” chứa đựng nhiều thông tin quan trọng giúp các em hiểu và thu nhận được không ít kiến thức quý báu về lịch sử.

Bên cạnh đó, để học sinh có những cái nhìn chân thực về các vấn đề lịch sử, cô giáo Trần Quỳnh Chi còn thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng, khu di tích lịch sử.

cô giáo chữa bệnh sợ môn lịch sử
Để học sinh có cái nhìn sinh động, chân thực về các sự kiện lịch sử, cô Chi thường tổ chức các buổi đi thực tế tại bảo tàng, các khu di tích. (Ảnh: NVCC)

“Trước buổi tham quan, tôi thường nêu rõ mục đích tham quan, những nội dung lịch sử cần tìm hiểu kỹ. Mở đầu buổi tham quan, hướng dẫn viên giới thiệu sơ lược về vị trí, những phòng trưng bày chính, sau đó lần lượt giới thiệu các hiện vật trưng bày theo nội dung, chủ đề của phòng trưng bày. Hướng dẫn viên là người giới thiệu, giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát, tìm hiểu những hiện vật, tài liệu chủ yếu, nêu các câu hỏi về những vấn đề chưa rõ, duy trì đúng tiến trình, kế hoạch của một buổi tham quan. Cuối buổi tham quan, tôi giao nhiệm vụ học tập cho học sinh thực hiện ở nhà để thu hoạch về một vấn đề chủ yếu của buổi tham quan dưới dạng các bài tập nhận thức. Sau đó, tổ chức cho học sinh trao đổi nội dung thu hoạch nhằm nâng cao nhận thức cho các em”, cô Chi cho biết. 

Dạy Lịch sử bằng cách đóng vai

Chia sẻ thêm về phương pháp dạy Lịch sử tạo hứng thú cho học sinh, cô Trần Quỳnh Chi cho biết, một trong những cách giúp học sinh tham gia và thể hiện tư duy phản biện đối với các sự kiện lịch sử là đóng vai “giả sử em là…”, “nếu em là…” để học sinh trở thành những nhân vật lịch sử, tranh biện một vấn đề lịch sử, qua đó, giáo viên phát hiện khả năng tư duy, giải pháp và nhận định của các em về sự kiện đó.

Thoát khỏi những cách dạy truyền thống cô đọc trò chép, trong mỗi tiết học cô Trần Quỳnh Chi đều đặc biệt quan tâm, tìm cách thay đổi cách truyền tải kiến thức qua video, hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ để học sinh dễ tiếp cận hơn. 

“Quá trình nhận thức của học sinh trong học tập bao giờ cũng đi từ hình ảnh cụ thể, trực tiếp, từ đơn giản đến khái quát. Nếu như quá trình nhận thức của loài người diễn ra theo con đường “mò mẫm”, “thử sai” thì nhận thức của học sinh qua môn Lịch sử không phải là việc tìm ra cái mới, cái chưa biết mà các em phải tái tạo những tri thức lịch sử đã được thừa nhận, những tri thức khoa học, tạo cơ sở cho các em khôi phục lại bức tranh quá khứ. Học lịch sử thông qua video, kênh hình, sơ đồ, biểu đồ giúp học sinh phát triển tư duy, khả năng liên kết nội dung. Thay vì trình bày diễn biến trận đánh bằng những đoạn văn mô tả, học sinh dễ dàng nhớ hơn khi thể hiện sự kiện bằng bản đồ lịch sử”, cô Chi cho hay.

Trong suốt những năm tháng đứng lớp, cô Trần Quỳnh Chi luôn quan niệm sứ mệnh cao cả của người giáo viên dạy lịch sử là làm cho học sinh hiểu rõ giá trị các sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, từ đó các em sẽ tự hào với truyền thống của dân tộc, có ý thức trách nhiệm với tương lai của đất nước. Dạy và học môn Lịch sử chính là trang bị cho các em những kiến thức xã hội cần thiết để bước vào đời được vững vàng và chững chạc hơn. Qua đó tạo cho các em cảm hứng, thích thú, nhớ lâu và càng muốn học môn Lịch sử để hiểu sâu thêm về đất nước, con người Việt Nam; để ra sức cống hiến, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tương lai.

Tham khảo thêm: Câu chuyện giáo dục: Chiếc loa thay đổi con người

Theo VOV.VN