Tổ chức sinh hoạt lớp theo tuần, theo tháng và học kỳ đòi hỏi những sự thay đổi mới lạ, để học sinh không cảm thấy nhàm chán.
Một trong những hướng thay đổi “kịch bản” giờ sinh hoạt lớp là tăng tính chủ động của học sinh, nâng cao vai trò của tập thể lớp. Với hướng này, có thể “biến” giờ sinh hoạt lớp thành một trò chơi tập thể mang đầy giáo dục.
1. Bắt đầu bằng trò chơi
Một trong những trò chơi hay được sử dụng có hiệu quả trong giờ sinh hoạt lớp là trò “Mong muốn, hi vọng, quan tâm”.
Với trò chơi này, giáo viên chuẩn bị một hộp không có nắp đậy (bằng giấy hoặc bằng nhựa hoặc bằng sắt), một tờ giấy A0 và một cây bút dạ. Tất cả các học sinh trong lớp tham gia, mỗi em lấy ra một mảnh giấy trắng và cầm bút chuẩn bị.
Các em học sinh làm việc độc lập, không nhìn và chép đáp án của nhau. Trong vòng 3 phút, các em viết ra những mong muốn riêng của mình về một môn học hoặc một hoạt động nào đó, nói lên những điều mình hi vọng sẽ đạt được và cả những điều mà mình quan tâm đến.
Giáo viên yêu cầu lớp trưởng thu lại tất cả những mảnh giấy này để lẫn vào hộp, sau đó yêu cầu mỗi học sinh chọn ra một mảnh giấy trong hộp và đọc lên những mong muốn, hi vọng, quan tâm cho học sinh cả lớp cùng nghe.
Giáo viên chủ nhiệm chọn một học sinh lên dùng bút dạ viết ra những thông tin đó lên giấy A0 treo sẵn trên bảng.
Giáo viên chủ nhiệm tổng hợp lại những mong muốn, suy nghĩ, tâm tư và nguyện vọng của các học sinh. Từ đó giáo viên đưa ra lời nhận xét về những điều mà các em đang cần và đang quan tâm, những mơ ước và hoài bão của các em học sinh.
Với trò chơi này, học sinh được mạnh dạn nêu lên những suy nghĩ, mong muốn của mình. giáo viên cũng có cơ hội thấu hiểu học sinh, từ đó đề ra biện pháp dạy học và giáo dục phù hợp.
Tuy nhiên, giáo viên không nên sa đà vào việc tổ chức các trò chơi mang tính giải trí đơn thuần, sẽ làm sai lệch mục đích của việc lồng ghép nội dung giáo dục trong giờ sinh hoạt. giáo viên phải chuẩn bị trước và tham khảo thêm các trò chơi cho phù hợp, thay đổi nội dung và phương thức sinh hoạt.
Việc tổ chức trò chơi cũng khiến lớp ồn ào, gây ảnh hưởng lớp kế bên. Vì vậy Ban giám hiệu cần tổ chức tiến hành sinh hoạt đồng thời tất cả các lớp và hãy chấp nhận sự ồn ào có định hướng chứ không phải ồn ào mất trật tự.
2. Cùng nhau xem phim
Những phim ngắn “Quà tặng cuộc sống” có nhiều ý nghĩa giáo dục. giáo viên có thể chọn chiếu một phim phù hợp với mục đích của giờ sinh hoạt.
Ví dụ, khi chiếu phim ‘Câu chuyện chiếc bình nứt, giáo viên có thể đặt câu hỏi: Sự khiếm khuyết có giá trị không? Hình ảnh chiếc bình nứt tượng trưng cho ai trong cuộc sống? Trong cuộc sống, khi gặp những khiếm khuyết của bản thân hay của người khác, chúng ta thường làm gì? Ai sẽ đóng vai trò “người gánh nước” trong cuộc sống của bạn? Em có suy nghĩ gì về việc chọn nghề liên quan đến khiếm khuyết của bản thân?
Các học sinh thảo luận, suy nghĩ, đưa ra câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên. giáo viên sẽ phân tích thêm nội dung, ý nghĩa của từng đáp án để các em hiểu rõ hơn từ đó rút ra được bài học cho bản thân và vận dụng vào cuộc sống.
Bài học rút ra từ đoạn video là: Mỗi người trong chúng ta đều có những khuyết điểm riêng biệt. Ai cũng đều là “Chiếc bình nứt” cả. Nhưng chính các vết nứt và khuyết điểm đó của từng người mới khiến cho đời sống chung của chúng ta trở nên thú vị và làm chúng ta thỏa mãn. Chúng ta phải chấp nhận cá tính của từng người trong cuộc sống và tìm cho ra cái tốt trong họ.
Phương pháp này đem lại hiệu quả giáo dục rất lớn mà giáo viên không phải “nói nhiều”, “giáo huấn nhiều”. Nên lựa chọn sử dụng những phim gần gũi liên quan với những kỹ năng sông mà giáo viên đang lựa chọn giáo dục cho học sinh. Điều này là rất quan trọng vì nếu chọn sai nội dung thì việc giáo dục sẽ giống như “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Mỗi giờ sinh hoạt, giáo viên chỉ cần chiếu một đến hai đoạn video, không nên chiếu quá nhiều mà không để thời gian cho học sinh suy nghĩ, thảo luận.
3. Mời phụ huynh cùng tham dự
Trong các tháng có các phong trào thi đua quan trọng như chào mừng 8/3, 26/3, 20/10, 20/11, giáo viên chủ nhiệm có thể mời phụ huynh đại diện đến dự buổi sinh hoạt lớp.
Nhờ đó, phụ huynh nắm được các phong trào thi đua của lớp, của trường, từ đó, đôn đốc con em tích cực tham gia.
Với tiết sinh hoạt lớp được tiến hành theo qui trình trên, học sinh có hứng thú, tạo không khí lạc quan, đoàn kết, thân ái, hiệu quả giáo dục đạo đức trong tiết sinh hoạt được nâng cao.
Tuy nhiên, muốn làm được điều này, giáo viên chủ nhiệm phải nhiệt tình, năng động, ý thức được tầm quan trọng của tiết sinh hoạt. Hình thức và nội dung tiết sinh hoạt cuối tuần phong phú và đa dạng; tuỳ từng trường, từng địa phương có thể triển khai linh hoạt hơn để phù hợp với đặc điểm của học sinh trường mình, góp phần giáo dục toàn diện.
4. Hoạt động ngoài giờ lên lớp
Để tránh sự nhàm chán, căng thẳng của tiết sinh hoạt, ngoài thái độ nhẹ nhàng, giáo viên chủ nhiệm cần định hướng cho lớp có những tiết mục văn nghệ thư giãn như: Hát, kể chuyện vui, tấu hài, những trò chơi nhỏ…
Cũng có thể tổ chức tặng quà sinh nhật cho học sinh có ngày sinh thuộc tháng hoặc tuần đang sinh hoạt, đan xen hợp lý, linh hoạt giữa các hoạt động.
Tổ chức hoạt động này, giáo viên có thể linh hoạt lựa chọn các phương pháp tích cực như: Phương pháp thảo luận nhóm; phương pháp diễn đàn; phương pháp đóng vai; phương pháp giải quyết vấn đề; phương pháp tổ chức các hoạt động giao lưu; phương pháp giao nhiệm vụ; phương pháp tình huống, phương pháp trò chơi… Đồng thời, sử dụng các kỹ thuật day học tích cực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của từng chủ điểm.
Khi sử dụng các phương pháp trên, chú ý đến nội dung hoạt đông cụ thể của từng chủ điểm, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi học sinh.
Đối với mỗi lớp có một cách thiết kế tiết sinh hoạt khác nhau. Ví dụ: Đọc sách báo, tạp chí, tác phẩm văn học, bình văn học…; trao đổi phương pháp học tập, đố vui để học, phương pháp giải các bài tập khó…; sinh hoạt tập thể, thi hùng biện về chủ đề của tháng…; sơ kết các hoạt động trong tháng, trò chơi…
Nguồn Vinskills