Ngày nay cụm từ Đổi mới, hay đổi mới giáo dục đang được sử dụng rất nhiều nếu như không muốn nói là lạm dụng thuật ngữ này? Mọi ngành nghề, mọi người, mọi nhà ngày nay đang cố gắng để đổi mới, đang hứa hẹn đổi mới, đang khuyến khích người khác đổi mới. Nhưng là một nhà giáo dục chúng ta đã thực sự hiểu về bản chất của việc đổi mới chưa? Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng đã từng 1 lần hoặc nhiều lần tìm hiểu về “Đổi mới giáo dục là gì” hay “Như thế nào là đổi mới” đúng không? Vậy theo thầy cô, đổi mới giáo dục là gì? và nó có ý nghĩa như thế nào đối với những người làm giáo dục và học sinh của chúng ta. Hãy cùng nhau bàn luận, mổ xẻ và tìm hiểu cặn kẽ về điều này nhé, bởi đổi mới trong giáo dục là vấn đề rất quan trọng, chúng ta muốn chúng ta đổi mới và học sinh của chúng ta yêu thích học tập, đổi mới sáng tạo; chúng ta cần hiểu đúng về nó.
Dưới dây là những quan điểm cá nhân, có thể sai lệch hoặc phiến diện, rất mong nhận được các ý kiến góp ý của thầy cô, nhưng người làm giáo dục chuyên nghiệp.
Đổi mới giáo dục là gì?
Đổi mới giáo dục chính là khuyến khích giáo viên và học sinh khám phá, nghiên cứu và sử dụng tất cả các công cụ để tạo ra một cái gì đó mới hơn, sáng tạo hơn. Hay đó chính là việc sử dụng một cách linh hoạt những phương thức khác nhau để nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo cách tốt hơn. Quá trình tư duy này luôn được kích thích sẽ giúp học sinh phát triển khả năng sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề.
Giáo viên cần khơi gợi trí tò mò của học, và tìm cách gây hứng thú cho học sinh, từ đó học sinh phải tư duy và đặt ra câu hỏi để giải quyết vấn đề. Đổi mới không có nghĩa là tạo ra một cái gì đó mới hoàn toàn từ không có gì. Đổi mới có thể dựa vào việc nghiên cứu các giải pháp, công cụ hiện có để đưa ra một cải tiến tốt hơn. Vì vậy chúng ta phải biết rằng học sinh của chúng ta cần nhiều hơn các kỹ năng cần thiết để vượt qua các bài kiểm tra của thầy cô mà chúng ta cần phải cung cấp cho học sinh những công cụ, kỹ năng và năng lực để giúp chúng có thể làm việc hiệu quả và thành công hơn trong tương lai.
Vai trò của thầy cô trong đổi mới giáo dục.
Khi nói đến vai trò của giáo viên trong đổi mới giáo dục, nhiều người lầm tưởng rằng vai trò của giáo viên sẽ bị giảm nhẹ đi. Tuy nhiên trong bối cảnh đổi mới giáo dục nay thì vai trò của người giáo viên là cực kỳ quan trọng khi thầy cô phải đảm nhiệm nhiều hơn các vai trò khác nhau, và đương nhiên trách nhiệm của người giáo viên cũng sẽ nặng nề hơn. Giáo viên sẽ phải đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực học tập để tiếp cận các cộng nghệ giáo dục mới, thúc đẩy việc cá nhân hóa học tập, ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả trong dạy học và đặc biệt người giáo viên trong thời đại đổi mới không chỉ là người thầy mà còn đóng vai trò là người hướng dẫn, định hướng cho học sinh.
Giáo viên cũng chính là lực lượng tiên phong thúc đẩy sự đổi mới của hệ thống giáo dục quốc gia.
Vì vậy trong đổi mới giáo dục người giáo viên phải đáp ứng được 5 vai trò chính dưới đây:
1. Nhà giáo dục
Một trong những vai trò hàng đầu mà giáo viên phải đảm nhận đó chính là vai trò của một nhà giáo dục. Điều này khẳng định giáo viên chính là nhà giáo dục chuyên nghiệp, thực hiện sứ mệnh đạo và phát triển toàn diện thế thế tương lai của đất nước bằng năng lực tư duy và năng lực hành động.
2. Người hỗ trợ
Người giáo viên phải đóng vai trò là người hỗ trợ khi học sinh cần sự giúp đỡ trong quá trình tiếp cận một kỹ năng mới hoặc quá trình hình thành năng lực. Sự hỗ trợ có thể đến dưới nhiều hình thức như huấn luyện viên, định hướng và thậm chí là cố vấn. Trong giới chuyên môn, giáo viên thậm chí có thể phải hỗ trợ các đồng nghiệp trong quá trình hoàn thiện năng lực chuyên môn. Giáo viên cũng chính là lực lượng tiên phong thúc đẩy sự đổi mới của hệ thống giáo dục quốc gia.
3. Người cố vấn
Một trong những vai trò lớn nhất và quan trọng nhất trong đổi mới giáo dục mà giáo viên có thể đảm nhận đó là vai trò cố vấn (mentor). Đối với vai trò này người giáo viên là người có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công trong học tập và định hướng nghề nghiệp của học sinh sau này. Vai trò cố vấn của giáo viên là tư vấn về học tập, nghiên cứu và nghề nghiệp cho học sinh..
4. Nhà nghiên cứu giáo dục
Đây cũng là một trong những vai trò quan trọng của giáo viên trong đối mới giáo dục. Giáo viên chính là người nghiên cứu và giải quyết những vấn đề của thực tiễn giáo dục. Giáo viên là người lao động sáng tạo, xây dựng những kiến thức mới trên cơ sở quan sát, phân tích, suy ngẫm và tổng kết những kinh nghiệm từ thực tiễn giáo dục.
5. Người học
Một vai trò quan trọng cuối cùng mà giáo viên phải thực hiện là vai trò của người học. Bất cứ ai đã tham gia vào giáo dục đủ lâu đều biết rằng luôn có một cái gì đó mới để học tập. Giáo viên phải là người luôn phát triển và không bao giờ ngừng học nhằm nâng cao năng lực. Năng lực tự học của giáo viên như một chuyên gia trong lĩnh vực học để tự bồi dưỡng và hướng dẫn học sinh, người khác học tập.
Những thay đổi của giáo dục và nhà trường trong bối cảnh mới đã đặt ra những yêu cầu mới đối với người giáo viên, đòi hỏi giáo viên cần phải đáp ứng được vai trò và trách nhiệm mới trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Trên đây chỉ là những quan điểm cá nhân giúp các thầy cô tham khảo và có thêm 1 góc nhìn về vai trò của mình trong đổi mới giáo dục…