Các chuyên gia cho rằng, cần chống cả “văn mẫu” trong dạy và học Toán…
Theo Chương trình GDPT 2018, dạy học định hướng phát triển phẩm chất, năng lực với môn Toán, cần hạn chế lối dạy truyền thụ kiến thức theo kiểu chỉ tập trung luyện các dạng mẫu, bài mẫu. Các chuyên gia cho rằng, cần chống cả “văn mẫu” trong dạy và học Toán.
Hạn chế lối dạy “rót kiến thức vào đầu rỗng”
Tại hội thảo bàn về kiểm tra đánh giá môn Toán cấp THPT theo định hướng tiếp cận phẩm chất và năng lực, GS.TS Đỗ Đức Thái – giảng viên Khoa Toán – Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chủ biên môn Toán Chương trình GDPT 2018 cho hay, với môn Toán, có 2 triết lý cơ bản:
Thứ nhất, hình thành và phát triển năng lực Toán cho học sinh. Giáo dục theo tiếp cận năng lực không chỉ bao hàm kiến thức, kỹ năng mà còn cả động cơ, thái độ, hứng thú và niềm tin trong học tập. Thứ hai, hình thành và phát triển năng lực vận dụng các tri thức toán học vào giải quyết vấn đề thực tiễn.
“Đây là một trong những chuyển đổi cơ bản giữa Chương trình GDPT 2006 với Chương trình GDPT 2018 về môn Toán”, GS.TS Đỗ Đức Thái nhấn mạnh và nhìn nhận, Chương trình GDPT 2006 đã gắn với thực tiễn nhưng chưa nhiều và sâu sắc.
Còn Chương trình GDPT 2018, vấn đề này trở thành một trong hai chân trụ và sẽ là yếu tố quan trọng để đánh giá học sinh ở các đề thi cuối cấp. Vì vậy, việc kiểm tra, đánh giá cũng nhằm đánh giá năng lực Toán và năng lực vận dụng tri thức Toán học vào giải quyết vấn đề thực tiễn.
Nhấn mạnh, chúng ta chống “Văn mẫu” thì cũng phải chống “Toán mẫu”, GS.TS Đỗ Đức Thái trao đổi, truyền thụ, yêu cầu học sinh nắm vững những kiến thức cốt lõi khác hoàn toàn với dạy dạng mẫu, bài mẫu. Do đó, giáo viên cần hạn chế lối dạy truyền thụ kiến thức theo kiểu “rót kiến thức vào đầu rỗng” thông qua việc chỉ tập trung luyện các dạng mẫu, bài mẫu. Giáo viên cần dạy học sinh cách học, nghĩ, giải quyết vấn đề, tạo cơ hội để hình thành phát triển các năng lực toán học.
Theo GS.TS Đỗ Đức Thái, tiến trình hình thành bài học phải bắt đầu từ học sinh, hiểu học sinh, tổ chức bài học theo đúng tiến trình nhận thức của các em. Bên cạnh đó, xây dựng tiến trình kỹ năng thông qua thiết lập một chuỗi hoạt động học tập được thao tác hóa để trò đi từ “trình độ hiện tại đến yêu cầu cần đạt”.
Để môn Toán không là nỗi lo sợ
Năm học 2024 – 2025, các lớp 5, 9 và 12 học theo Chương trình GDPT 2018, khép kín chu trình triển khai Chương trình GDPT mới. GS.TS Ngô Bảo Châu – Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán nhấn mạnh, đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Toán (theo định hướng tiếp cận phẩm chất và năng lực học sinh) là một trong những việc quan trọng khi dạy học môn Toán theo Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, dù theo chương trình nào, suy nghĩ và tư tưởng cho rằng học môn Toán phải dễ là sai lầm.
Trong Chương trình GDPT 2018, một trong những mục tiêu chủ yếu của chương trình môn Toán là hình thành, phát triển năng lực toán học cho học sinh bao gồm các thành tố cốt lõi: Tư duy và lập luận toán học; mô hình hóa toán học; giải quyết vấn đề toán học; giao tiếp toán học; sử dụng công cụ, phương tiện học toán.
Vấn đề quan trọng, cấp thiết khi giảng dạy và học tập môn Toán là đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng tiếp cận phẩm chất, năng lực học sinh. Do đó, GS.TS Ngô Bảo Châu cho rằng, đã đi học, phải chấp nhận chuyện học là khó. Chúng ta không cần làm nó khó hơn mức cần thiết, nhưng làm cho nó dễ đi là định hướng sai. Đi học khác với đi chơi. Việc biến chuyện học thành một việc như giải trí là chuyện không tưởng, mà thực ra sai lầm.
Chương trình GDPT 2018 ban hành với định hướng chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học. Tuy nhiên, GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đặt vấn đề, làm thế nào để dạy học sinh phát triển năng lực, phẩm chất và làm sao để đánh giá những năng lực, phẩm chất đó. Cụm từ “phẩm chất và năng lực” vốn tuyệt vời bỗng trở thành nỗi lo sợ của các thầy cô. Nhiều giáo viên bày tỏ không biết làm thế nào để phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh – đó là thực tế.
Trong chương trình các môn học có phần yêu cầu cần đạt và có thể coi là chuẩn đánh giá của chương trình. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phát triển năng lực học sinh. “Nếu quá cực đoan vào việc phải đánh giá, giám sát toàn bộ quá trình phát triển của trẻ, có khi lại không đạt được mục tiêu mà còn bị tác động ngược lại quá trình dạy và học”, GS.TS Lê Anh Vinh trao đổi.
Cho rằng, việc kiểm tra, đánh giá phụ thuộc lớn vào giáo viên, đặc biệt vai trò tổ chức dạy học, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam gợi mở, nếu chúng ta thiết kế một bài kiểm tra học kỳ bám quá nhiều, đi theo mẫu hoàn toàn như bài thi tốt nghiệp THPT thì có đúng với mục đích của một bài kiểm tra học kỳ? Ngoài ra, việc đánh giá cần phù hợp với chương trình, phương pháp giảng dạy và bối cảnh cụ thể.
Nêu dẫn chứng, GS Lê Anh Vinh trao đổi, trong một môn học mà giáo viên không tổ chức hoạt động nào để học sinh hợp tác thì đánh giá năng lực hợp tác của các em bằng gì?”.
Vì vậy, vấn đề đôi khi không nằm ở bộ công cụ để đánh giá, mà nằm ở việc tổ chức dạy học của giáo viên. Hiện, giáo viên chưa thể hiện rõ điều này và khó để làm được. Do đó, GS Lê Anh Vinh cho rằng, cần tổ chức tập huấn để giúp giáo viên thay đổi phương pháp dạy học, biết cách thiết kế các hoạt động để phát huy năng lực học sinh và từ đó có cơ sở đánh giá.
Theo GS.TS Đỗ Đức Thái, dạy học gắn với các tình huống thực tế có bối cảnh thực nhằm hình thành, phát triển năng lực vận dụng các tri thức toán học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cho học sinh. Từ đó, tạo dựng niềm tin cho học sinh và phụ huynh về giá trị của tri thức toán học đem lại cho cuộc đời mỗi người sau này.
Nguồn: Giáo dục thời đại
Tham khảo thêm: